Thổn thức Tết xa quê

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gác niềm vui đoàn tụ, nhiều lao động ngoại tỉnh quyết định đón Tết ở Đà Nẵng để dành chút quà cho bố mẹ, người thân. Dù xa quê nhưng họ vẫn ấm lòng bởi suất quà nhỏ của chủ nhà, lời mời góp Tết của hàng xóm trong xóm trọ nghèo.

GÁC NIỀM VUI ĐOÀN TỤ

Khác với không khí vui vẻ, chộn rộn của phố phường những ngày giáp Tết, khu trọ công nhân ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) im vắng hơn. Đã hơn 9h sáng, khu trọ vẫn yên ắng bởi đa phần công nhân đều đi làm hoặc ngủ bù sau khi làm ca đêm. Chỉ một vài phòng mở cửa, văng vẳng tiếng trẻ con chơi đùa. Nếu không có những bài nhạc xuân rộn ràng từ một quán cà phê đầu hẻm vọng vào, chắc cũng chẳng ai biết Tết đang đến rất gần.

Thổn thức Tết xa quê ảnh 1

Gia đình chị Dương Thị Mai (quê Hà Tĩnh) ở lại Đà Nẵng dịp Tết này để dành tiền lo Tết cho ông bà nội ngoại ở quê. Ảnh: Giang Thanh

Ngắt cuộc gọi facebook với lời hứa mua váy mới cho con gái mặc Tết, Tạ Khắc Hoàng Anh (27 tuổi, quê Nghệ An) đăm chiêu nhìn ra cửa. Nhiều năm vào thành phố để làm công nhân, năm nay là năm đầu tiên Hoàng Anh không về ăn Tết. Cậu vẫn nhớ đôi mắt rơm rớm của mẹ, tiếng thở dài của bố khi nghe con trai thông báo quyết định cách đó vài hôm.

Công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên vẫn chưa hoạt động trở lại, Hoàng Anh thất nghiệp đã mấy tháng nay. Vừa chờ công ty gọi đi làm trở lại, cậu vừa làm thợ “đụng” để xoay xở cho cuộc sống hằng ngày.

“Giờ thất nghiệp, ai gọi đâu em làm đó, miễn là có tiền, chỉ mong cất được ít đồng để gửi chút quà Tết về cho ông bà”, Hoàng Anh kể.

Thổn thức Tết xa quê ảnh 2

Anh Tạ Khắc Hoàng Anh (quê Nghệ An) chấp nhận ăn Tết xa để tiết kiệm tiền gửi về lo Tết cho bố mẹ, vợ con ở quê.

Trong khi ai cũng bận rộn sắm sửa, Hoàng Anh cùng nhiều bạn bè trong khu trọ vẫn đang chờ các khoản lương thưởng để gửi về cho gia đình. Nhớ nhà, nhớ vợ con nhưng Hoàng Anh vẫn “dằn lòng” để ở lại.

“Nếu không về, em tiết kiệm thêm được một khoản chi phí đi lại để gửi về. Em ở đây thế nào cũng được nhưng phải gửi tiền về quê để vợ sắm sửa quà Tết cho ông bà nội ngoại, mua đồ mới cho 2 đứa nhỏ”, Hoàng Anh vừa nói, vừa nhìn tấm hình cô con gái nhỏ trên màn hình điện thoại với đôi mắt ngấn nước.

Thổn thức Tết xa quê ảnh 3

Gia đình bà Vũ Thị Nhu trang trí các dãy phòng trọ để công nhân, người lao động thuê trọ ấm lòng dịp Tết

Cách đó vài dãy trọ, chị Dương Thị Mai (39 tuổi, công nhân Công ty Việt Hoa – KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đang tranh thủ dỗ đứa con gái nhỏ ăn sáng rồi chuẩn bị cơm nước để đi làm ca chiều. Quê ở Hà Tĩnh, năm nào, vợ chồng chị Mai cũng về quê từ khoảng 25, 26 tháng Chạp, nhưng năm nay, dịch bệnh khiến việc về quê ăn Tết trở thành nỗi đắn đo thường trực của hai vợ chồng. Đứa con gái nhỏ của chị Mai đã gần 2 tuổi nhưng ông bà nội ngoại ở quê mới chỉ thấy cháu qua màn hình điện thoại.

“Hai vợ chồng tui đều làm công nhân, dịch bệnh khiến công việc không ổn định, thu nhập cũng bị cắt giảm nhiều. Nhà 5 miệng ăn, ở thành phố trăm thứ phải lo, chỉ riêng tiền trọ, tiền điện nước mỗi tháng đã hết gần 3 triệu”, chị Mai kể.

Gần Tết, chị Mai càng thấp thỏm “ngóng” các khoản lương thưởng để có tiền sắm sửa. Nói là sắm sửa nhưng vợ chồng chị cũng chỉ định mua ít bánh trái, hoa quả để làm một mâm cúng giao thừa tươm tất, còn lại bao nhiêu thì gửi cả về cho ông bà ở quê.

“Ở lại đây, chúng tôi xác định Tết cũng như ngày thường, có chăng mua thêm cho 3 đứa nhỏ cái quần, cái áo mới, cắm thêm cành đào hay chậu quất nhỏ. Cả năm làm lụng, chỉ mong dư dả để góp chút Tết biếu ông bà nội ngoại ở quê. Con cháu không về được, cũng không thể để ông bà đón cái Tết “thiếu trước hụt sau” được”, chị Mai nhẩm tính.

ẤM ÁP TẾT XA

Những ngày này, ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 hiếm khi ở nhà. Xách chiếc xe máy cọc cạch, ông ghé từng khu trọ trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) để nắm bắt tình hình công nhân, người lao động ở lại dịp Tết.

Đỗ xịch chiếc xe, ông Dũng nhanh nhẹn gõ cửa từng phòng để hỏi chuyện. Đa phần, các công nhân ở trọ trong khu vực đều thân quen với ông bởi 2 năm liền dịch bệnh, không biết bao lần vị tổ trưởng già “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hỏi thăm, hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực.

Thổn thức Tết xa quê ảnh 4

Ông Nguyễn Thanh Dũng (tổ trưởng tổ công nhân tự quản số 1) đi thông báo cho từng công nhân về kế hoạch tặng quà Tết và nấu bánh chưng.

Nghe ông Dũng thông báo sẽ lập danh sách để hỗ trợ quà cho gia đình ở lại đón Tết, chị Nguyễn Thị Thu Lan (quê Hà Tĩnh) không giấu nổi vui mừng. Đang mang bầu tháng thứ 7, nhiều tháng nay, chị Lan chỉ ở nhà trông con. Kinh tế gia đình trông cả vào đồng lương công nhân của chồng chị. Vì vậy, năm nay, cả nhà ở lại Đà Nẵng đón Tết.

“Khi biết thông tin tôi ở lại, chủ trọ cũng ghé hỏi thăm và hỗ trợ, tổ công nhân tự quản, xóm trọ cũng bàn nhau góp Tết cùng nhau cho đỡ tủi thân. Được sự quan tâm nhiều như vậy, tôi cũng thấy ấm lòng hơn”, chị Lan kể.

Để công nhân ở lại đón cái Tết ấm áp hơn, ông Dũng cũng bàn với mọi người trích kinh phí Công đoàn thành phố hỗ trợ cho tổ để tổ chức cho mọi người cùng nấu bánh chưng đón Tết.

“Tui tính khoảng 28, 29 Tết gì đó, khi các cháu đã được nghỉ làm thì tranh thủ tổ chức. Từng xóm trọ góp sức nấu từng nồi bánh chưng, các khoản gạo, nếp, thịt, than củi… tui sẽ gắng xoay xở. Chỉ mong tụi nhỏ có thể cảm nhận được không khí Tết cổ truyền”, ông Dũng hào hứng chia sẻ.

Trái với không khí ảm đạm tại nhiều khu trọ khác, xóm trọ công nhân của bà Vũ Thị Nhu (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) được chăng đèn, kết hoa rực rỡ từ sau rằm tháng Chạp. Bà Nhu có 57 phòng trọ cho thuê, năm nay, hơn 1/3 số phòng thuê quyết định không về Tết. Bởi vậy, bà Nhu mua ít đồ trang trí, mua thêm ít hoa để trang hoàng khu trọ.

“Mấy đứa đi làm cả năm trời, Tết không về được cũng buồn lắm chứ. Tết mà, ai chả muốn về nhà bên bố mẹ, người thân. Vì vậy, tôi cũng cố gắng trang trí dãy trọ tươi vui, mang đến chút không khí Tết cho những cháu ở lại”, bà Nhu nói.

Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, qua khảo sát sơ bộ, khoảng hơn 2.000 công nhân và người lao động ở lại Đà Nẵng đón Tết. “Con số này chắc sẽ nhiều hơn bởi đa phần người lao động vẫn còn phân vân nên về hay ở. Chúng tôi yêu cầu công đoàn các cấp liên tục cập nhật tình hình và sẵn sàng hỗ trợ đột xuất cho người lao động ở lại để họ đón Tết cổ truyền đủ đầy, dù xa quê nhưng vẫn ấm lòng”, ông Minh nói.

Cứ rảnh rỗi, bà Nhu lại ghé khu trọ để hỏi thăm xem có trường hợp nào khó khăn hay thiếu thốn gì không để hỗ trợ. Bà cũng tự tay gói mấy chục phần quà Tết để tặng cho người thuê trọ.

“Cuối năm, tôi sẽ làm mấy mâm cơm Tất niên để các cháu ở lại cùng đón giao thừa. Mồng 1 thì ghé sớm để xông đất và phát lì xì cho sắp nhỏ. Tôi hi vọng các cháu ở lại sẽ cảm thấy vui hơn, dù xa quê nhưng vẫn được đón Tết đầm ấm, sum vầy”, bà Nhu chia sẻ.

MỚI - NÓNG