'Thói quen'

'Thói quen'
TP - Ở nhà ăn tập thể của cơ quan của bạn tôi, mọi người ăn xong rồi có "thói quen" vứt bừa bãi ra nhà. “Đấy cũng là sự khiếm khuyết của cơ quan. Mọi người coi việc này là nhỏ, nên có thói quen ăn xong là chuồn” - Anh bạn tôi nói.

“Đã hơn 12 giờ trưa rồi, hai cậu ở lại đây ăn cơm với mình!”. Bạn tôi công tác tại một cơ quan lớn kéo hai chúng tôi tới nhà ăn tập thể. Khách đã vãn, chỉ còn mấy chị phục vụ đang sắp xếp lại gần trăm chiếc ghế lỏng chỏng, ngổn ngang như sau cơn bão.

“Các anh chị tích cực quá” - Tôi tỏ ý biểu dương. Một chị lên tiếng với vẻ không vui: “Tích cực gì anh. Mọi người cứ bừa ra đó, bắt chúng tôi hót”.

Nghe vậy, ba anh em tôi cũng không vui như chị, một người nói: “Ở đây sao không động viên anh em giúp chị một tay nhỉ. Ít ra cũng xếp lại cái bàn cái ghế sau khi ăn, cho các chị đỡ vất vả cả trưa!”.

Bạn tôi công tác ở đây đáp: “Đấy cũng là sự khiếm khuyết của cơ quan. Mọi người coi việc này là nhỏ, nên có thói quen ăn xong là chuồn”.

Một bạn nói: “Đã là thói quen thì khó thay đổi, song đã thay đổi được thì vững chắc lắm”. Anh kể: “Cách đây trên 30 năm, hồi còn chiến tranh, tôi cùng khoảng 100 người nữa sang Trung Quốc tuyên truyền Hiệp định Paris về Việt Nam. Các chị nuôi Trung Quốc rất chu đáo, không quản vất vả, vừa làm vừa hát “Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông... mối tình hữu nghị sáng như vừng đông”.

Song được một tuần, thấy cảnh bàn ghế sau bữa ăn ngổn ngang như bàn ghế hôm nay ở đây, các chị hát líu ríu: “Mối tình hữu nghị chưa sáng như vừng đông” rồi cười và kiến nghị chúng tôi giúp một tay để “thiết lập trật tự” nhà ăn. Thế là tổ Cờ đỏ ra tay, buộc mọi người ăn xong phải xếp lại bàn ghế. Ai quên, đội viên Cờ đỏ bắt quay lại làm.

Khoảng nửa tháng, thói quen này ngấm dần vào từng người. Bàn ghế sau bữa ăn trong tư thế một đội quân đang điểm danh. Các chị nuôi lại hát vui: “Mối tình hữu nghị sáng hơn vừng đông”. Bạn tôi nói thêm: “Thói quen này sống mãi tới nay, cho dù chúng tôi ngồi ăn ở nhà hay ở quán tư nhân”.

Chuyện bạn kể làm tôi nhớ ký ức của luật sư Lưu Văn Lợi: “Hồi còn là Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, kiêm công việc lưu trữ công văn cho Bác Hồ, hàng sáng ông Lợi đến phòng làm việc của ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác), hoặc phòng Bác thường họp với Bộ Chính trị, để báo cáo những thư điện nước ngoài gửi cho Bác.

Hôm đầu, làm việc xong, ông Lợi đứng lên chào Bác ra về. Bác bắt tay rồi chỉ vào chiếc ghế ông Lợi đã ngồi tỏ ý nhắc khéo là chưa xếp gọn ghế sau khi làm việc. Ông Lợi coi “Đây là bài học lớn”.

Chúng tôi ăn cơm xong và cũng đã nghe xong chuyện “thói quen”, cùng nhau đứng lên xếp lại bàn ghế nhà ăn, rồi ra về. Các chị nuôi nhìn theo gật đầu.

MỚI - NÓNG