Thời kỳ đa khủng hoảng, thế giới bước vào năm 2023 với nhiều điểm nóng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi năm 2022 bắt đầu, đã có nhiều lo lắng về những gì có thể xảy ra tại ít nhất 10 khu vực. Đứng đầu trong danh sách lo ngại là Ukraine, Afghanistan và Ethiopia.
Thời kỳ đa khủng hoảng, thế giới bước vào năm 2023 với nhiều điểm nóng ảnh 1

Một hệ thống pháo của Ukraine

Điều thực sự xảy ra trong năm 2022 đã gây sốc cho cả thế giới, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa bị đẩy lùi hoàn toàn và nhiều sự kiện thời tiết cực đoan.

Các chuyên gia gọi đây là kỷ nguyên “đa khủng hoảng”, khi các quốc gia phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng liên quan đến nhau.

Ngân hàng Thế giới ước tính, 23 quốc gia, với tổng dân số 850 triệu người, đang phải đối mặt với khủng hoảng cường độ cao hoặc trung bình. Số quốc gia hứng tác động tiêu cực từ xung đột đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Tình hình đó đã tạo nên những dòng người tị nạn đông đúc. Tính đến tháng 5/2022, có đến 100 triệu người trên thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Với di sản đau thương của năm 2022, thế giới bước vào năm 2023 với nhiều mối lo toan.

Di sản đau thương

Năm 2022 gắn với cuộc xung đột ở Ukraine trở thành một trong những cuộc khủng hoảng di cư nhanh và lớn nhất trong mấy thập kỷ.

Bên cạnh đó, Afghanistan tiếp tục là một điểm nóng vì bạo lực tiếp diễn, khi có đến 6 triệu người đối mặt với nguy cơ chết đói; tình hình Myanmar vẫn cực kỳ căng thẳng sau cuộc đảo chính tháng 2/2021.

Trong những ngày đầu tiên của năm 2023, người dân ở Ukraine và Afghanistan đang trải qua mùa đông thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men và những đồ dùng, dịch vụ thiết yếu khác. Tình hình Myanmar chỉ ngày càng xấu đi, nhất là với các vùng dân tộc thiểu số và trại tị nạn Rohingya.

Điểm nóng mới: Iran

Ở Iran, cô gái 22 tuổi Mahsa (Jina) Amini bị cảnh sát đạo đức bắt tại một nhà ga tàu điện ngầm vì ăn mặc “không phù hợp”, sau đó chết trong đồn cảnh sát ngày 16/9/2022.

Cái chết của cô châm ngòi cho một làn sóng nổi dậy ở hơn 150 thành phố và 140 trường đại học trên khắp 31 tỉnh, thành của Iran. Hơn 15.000 người đã bị bắt vì liên quan đến biểu tình. Cuộc khủng hoảng khó có triển vọng giải quyết trong năm 2023. Ngoại trưởng Úc Penny Wong cùng người đồng cấp Canada và New Zealand đưa ra tuyên bố cứng rắn, lên án việc tuyên án tử hình đối với người biểu tình là “một chương đen tối” trong lịch sử Iran.

Căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dương

Kinh tế Sri Lanka sụp đổ và biểu tình nổi lên từ giữa năm 2022, đến nay tình hình vẫn bấp bênh.

Triều Tiên vẫn hành động quyết liệt và nguy hiểm. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng mạnh trong năm nay sau khi Bình Nhưỡng bắn số lượng tên lửa nhiều kỷ lục, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại nhất.

Tình hình đảo Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục nóng, với những bước đi và tuyên bố của Mỹ và Bắc Kinh đáp trả bằng các cuộc tập trận rầm rộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden một vài lần tuyên bố Washington sẽ không đứng im nếu Trung Quốc dùng vũ lực với hòn đảo tự trị.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng để đối phó với tình hình căng thẳng.

Có rủi ro xảy ra tính toán sai lầm từ tất cả các bên, và nguy cơ từ việc áp dụng chiến thuật chiến tranh vùng xám ngày càng cao.

Theo The Conversation
MỚI - NÓNG