10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xung đột Nga - Ukraine bùng phát, kéo dài, tác động nhiều lĩnh vực trên thế giới. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt, trong khi thiên tai cũng khốc liệt hơn…
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022 ảnh 1
Lực lượng Nga ở thành phố Mariupol, Ukraine ngày 23/4/2022. Ảnh: AP

1.Xung đột Nga - Ukraine

Dù phương Tây liên tục cảnh báo từ cuối năm 2021, nhiều người vẫn ngỡ ngàng khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2. Sau 10 tháng xung đột, Nga và Ukraine có vẻ đang trong giai đoạn chiến tranh tiêu hao, tập trung bắn phá hạ tầng của nhau.

Trước hàng loạt đòn trừng phạt của phương Tây, tình hình nội bộ Nga về cơ bản vẫn ổn định, còn Ukraine đứng trước nguy cơ khủng hoảng và kiệt quệ về kinh tế, khi GDP năm 2022 giảm khoảng 60%, tiếp tục phải dựa vào viện trợ của Mỹ và châu Âu. Những tuyên bố được đưa ra cho thấy hai bên đều quyết tâm cao, chưa có khả năng sắp ngồi vào bàn đàm phán, ngoại trừ đồng ý trao đổi tù binh và xuất khẩu ngũ cốc.

Thời gian tới, Nga có thể tái chiếm những nơi Ukraine đã lấy lại ở Donbas, Odesa và các thành phố lớn khác, khiến xung đột tiếp tục leo thang. Một kịch bản khác là hai bên giằng co, dẫn đến xung đột đóng băng. Giới phân tích hy vọng xung đột sẽ kết thúc trong năm 2023, trước khi Mỹ và Nga đều bước vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Cuộc xung đột đã gây chia rẽ chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, mất an ninh năng lượng và lương thực khắp thế giới… Giá khí đốt có lúc lên mức cao nhất trong 14 năm. Liệu tình hình năm 2023 có khả quan hơn?

2.Ông Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ 3, cạnh tranh Mỹ - Trung thêm gay gắt

Ngày 23/10, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3, trở thành một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Việc ông Tập tái đắc cử và Trung Quốc chọn ra đội ngũ lãnh đạo mới sẽ quyết định những định hướng phát triển quan trọng nhất của Trung Quốc về đối nội và đối ngoại trong 5 năm tới.

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022 ảnh 2
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến quyết liệt trên hàng loạt lĩnh vực. Chiến lược An ninh quốc gia được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 10 tuyên bố thẳng thừng: “Trung Quốc nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng tái định hình trật tự quốc tế nhằm tạo ra một sân chơi toàn cầu có lợi cho họ”, và Mỹ sẽ “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó”.

Cách phản ứng quyết liệt của Trung Quốc với chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8 cho thấy quan hệ giữa hai nước căng thẳng đến mức nào. Đến tháng 10, ông Biden có một bước đi lớn nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng cách ngăn nước này tiếp cận chip bán dẫn và công nghệ hiện đại. Washington cũng vận động các đồng minh và đối tác có chính sách cứng rắn tương tự với Bắc Kinh.

Nhân dịp thượng đỉnh G20 hồi tháng 11, ông Tập và ông Biden gặp nhau tại Indonesia, cam kết sẽ giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, sự nghi kỵ và cạnh tranh quyết liệt được dự báo vẫn là điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ-Trung trong nhiều năm tới.

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022 ảnh 3
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

3.Bầu cử giữa kỳ Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ nín thở trước cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tháng 11, nhưng kết quả nhận được không tệ như nhận định. Đảng Dân chủ giữ được đa số tại Thượng viện, giúp ông Biden không rơi vào cảnh “vịt què”. Không tạo được “sóng đỏ” như kỳ vọng của cựu Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện, mở đường cho 2 năm đầy chia rẽ trên chiến trường Mỹ. Chiến thắng này giúp đảng Cộng hòa có quyền hạn chế chương trình hành động của ông Biden, cũng như quyền tiến hành những cuộc điều tra tai hại về chính trị nhắm vào chính quyền và gia đình tổng thống đương nhiệm.

Không lâu sau cuộc bầu cử giữa kỳ, ông Trump tuyên bố sẽ tái tranh cử tổng thống vào năm 2024.

4.Chính trường Anh chao đảo

Quốc gia từng có thuộc địa trải khắp toàn cầu vừa trải qua một năm đầy sóng gió, có tới 3 thủ tướng chỉ trong vòng 2 tháng và cũng mất đi Nữ hoàng trị vì lâu nhất thế giới. Giai đoạn rối ren bắt đầu khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức vào tháng 7, sau hàng loạt bê bối. Người kế nhiệm là bà Liz Truss, người điều hành đất nước chỉ trong 45 ngày - nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Anh - sau khi thực hiện chính sách thuế khiến giá đồng bảng lao dốc và thị trường tài chính chao đảo.

Thất bại của bà Truss tạo cơ hội để ông Rishi Sunak trở thành thủ tướng da màu đầu tiên của Anh. Thủ tướng Sunak đang phải đương đầu nhiều trận gió ngược, khi tỷ lệ lạm phát lên đến 15%, một phần do tác động của xung đột Ukraine.

5.COVID giảm nhẹ

Thế giới cuối cùng có thể thở phào vì tình hình đại dịch dịu bớt, hầu hết các quốc gia chuyển sang chung sống với COVID-19 sau 3 năm vật vã đối phó. Không còn cảnh phong tỏa, hạn chế đi lại, cách ly và xét nghiệm hàng loạt nhờ vắc xin và phương pháp điều trị hiệu quả. Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất khi tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID đến tận cuối năm. Tháng 12, Trung Quốc bắt đầu giảm bớt các biện pháp phòng chống dịch. Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc có thể tăng mạnh trong năm 2023.

Sau khi ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia, chủ yếu tại châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới ngày 23/7 ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.

6.Lạm phát lịch sử

Trong 4 thập kỷ qua, thế giới sống trong môi trường lạm phát thấp. Nhưng năm 2022 chứng kiến tình trạng lạm phát tăng lên mức lịch sử, vì sự kết hợp của nhiều yếu tố như các gói kích thích của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, xung đột ở Ukraine làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhiều mặt hàng khan hiếm…

Biện pháp chính để giảm lạm phát là tăng lãi suất, nhưng cách này không thể giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể gây suy thoái. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác hy vọng có thể tạo ra cú “hạ cánh mềm”. Nhưng nếu thành công, lãi suất cao dễ gây ra cuộc khủng hoảng nợ cho nhiều quốc gia nghèo. Ngân hàng trung ương Anh ngày 15/12 tăng lãi suất lên 3,5% - mức cao nhất trong 14 năm qua. Đây là lần tăng thứ 9 liên tiếp trong bối cảnh lạm phát ở mức 10,7%, cao nhất trong 40 năm qua. Ngày 14/12, Fed tăng lãi suất cơ bản lần thứ 7 trong năm 2022 lên mức cao nhất trong 15 năm, nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong 40 năm.

7.Thiên tai khốc liệt

Các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên phổ biến trong năm 2022. Châu Âu trải qua những trận sóng nhiệt kỷ lục, nhiều cánh rừng bốc cháy, nhiều dòng sông trơ đáy. Pakistan trải qua một đợt sóng nhiệt khốc liệt, tiếp nối là đợt mưa gây ngập lụt 1/3 đất nước. Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo những tác động của biến đổi khí hậu sẽ sớm trở nên không thể đảo ngược.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của LHQ (COP) 27 tại Hy Lạp kết thúc bằng một thoả thuận về bồi thường cho các nước nghèo chịu tổn thất vì biến đổi khí hậu, nhưng không có bước đột phá nào về cắt giảm khí phát thải.

8.Sri Lanka vỡ nợ

Cuộc khủng hoảng kinh tế Sri Lanka bắt đầu từ hệ luỵ của đại dịch COVID-19. Xăng dầu, khí đốt trở nên đắt đỏ, khan hiếm. Không còn ngoại tệ, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ từ tháng 4.

Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm khi hàng ngàn người xuống đường đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức, cho rằng chính phủ không quản lý tốt tài chính của đất nước. Ngày 9/7, người biểu tình xông vào dinh thự của Tổng thống Rajapaksa, buộc ông phải chạy trốn ra nước ngoài trước khi từ chức. Ông Ranil Wickremesinghe trở thành tổng thống mới, và nay vẫn đang nỗ lực đưa mọi thứ trở lại bình thường.

9.Biểu tình ở Iran

Các lãnh đạo Iran có lẽ thấy năm 2022 là một trong những năm thách thức nhất kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Làn sóng biểu tình bắt đầu ngày 16/9, khi cô gái 22 tuổi Mahsa Amini chết trong đồn của cảnh sát đạo đức chỉ vì cô không trùm khăn đầu đúng cách. Nhà nước Iran gọi các cuộc biểu tình là “bạo động” và triển khai lực lượng an ninh để trấn áp; ít nhất 448 người đã thiệt mạng. Cuối cùng, Iran quyết định giải tán lực lượng cảnh sát đạo đức từ đầu tháng 12.

10.Dân số thế giới vượt mốc 8 tỷ

Ngày 15/11, dân số thế giới là 8 tỷ, với cột mốc là em bé Vinice Mabansag chào đời ở Philippines. Khi tăng từ 7 lên 8 tỷ, khoảng 70% dân số thế giới sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Khi tăng từ 8 lên 9 tỷ, hai nhóm này dự kiến sẽ chiếm đến 90% tăng trưởng toàn cầu, theo số liệu của Liên Hợp quốc. Ấn Độ được dự báo sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

MỚI - NÓNG