Thời điểm buông giá xăng dầu không còn xa

Thời điểm buông giá xăng dầu không còn xa
Trao đổi với báo chí xung quanh việc tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá cho biết nếu giá thế giới tiếp tục biến động, tiến tới sẽ buông giá để thị trường tự điều tiết.
Thời điểm buông giá xăng dầu không còn xa ảnh 1
Thời điểm nào sẽ buông giá xăng dầu?

Xin ông cho biết, nguyên nhân tăng giá bán lẻ xăng dầu lần này?

Đợt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước cuối tháng Ba vừa qua được thực hiện khi giá dầu thô dao động từ 45 - 55 USD/thùng. Tuy nhiên, cuối tháng Sáu, có lúc giá đã vượt qua ngưỡng 60 USD/thùng. Hiện giá dầu thô đã bắt đầu chững lại, song vẫn dao động trong khung giá 55 - 60 USD/thùng.

Nhiều nguồn tin cho rằng, OPEC sẽ điều hành giá dầu trong thời gian tới không xuống dưới mức 50 USD/thùng và từ nay đến cuối năm giá dầu có nhiều khả năng dao động trong khoảng 55 đến trên 60 USD/thùng.

Do giá thế giới tăng cao nên 6 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước vẫn phải bù lỗ khoảng 6.454 tỷ đồng. Với giá dầu tiếp tục ở mức 60 USD/thùng, nếu giữ nguyên giá bán xăng dầu trong nước thì kinh doanh tất cả các chủng loại xăng, dầu đều lỗ lớn.

Dự đoán 6 tháng cuối năm ngân sách Nhà nước phải bù lỗ khoảng 9.324 tỷ đồng và cả năm phải bù lỗ hơn 15.700 tỷ đồng, chưa kể ngân sách bị giảm thu do giữ mức thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%. Con số đó quá lớn khi đem so sánh với dự toán ngân sách của năm dự kiến là 183.000 tỷ đồng

Ngoài ra, giá trong nước đang chênh lệch khá lớn so với các nước láng giềng (khoảng 2.000 - 4.700 đồng/lít) nên nạn xuất lậu xăng dầu trên biên giới đất liền và trên biển sang Trung Quốc, Campuchia và Lào diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng, khó kiểm soát.

Chúng ta không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới, giá xăng dầu cũng vậy. Do vậy, việc điều chỉnh giá bán trong nước là bất khả kháng.

Tại sao liên bộ lại quyết định điều chỉnh giá định hướng mà không tính chuyện mở biên độ theo Quyết định 187?

Giá dầu thô thế giới tăng mạnh, nếu chúng ta điều chỉnh theo biên độ theo hướng xăng 10%, dầu 5% thì Nhà nước vẫn phải bù lỗ từ nay đến cuối năm là 19.000 - 20.000 tỷ đồng, riêng dầu lỗ 12.000 tỷ.

Liên bộ trình 2 phương án tăng giá định hướng và mở biên độ 5%, Chính phủ thấy phương án mở biên độ không đáp ứng được tình hình hiện nay. Nhu cầu tăng cao, giá dầu vẫn tiếp tục biến động, nếu chúng ta không nới lỏng ngay từ bây giờ thì khi giá thế giới lên cao, lại phải tiếp tục lại phải điều chỉnh.

Theo lần điều chỉnh này, diezel tăng 18%, dầu hỏa 36%. Trước đó dầu hỏa điều chỉnh quá thấp, xuất hiện tình trạng gian lận thương mại, pha trộn dầu hỏa với diezel và xăng 83 để bán với giá cao.

Hiện nay, giá xuất khẩu dầu thô lên cao, nguồn thu này có bù đắp được giá nhập khẩu không, thưa ông?

Nguồn thu từ dầu thô năm 2005 dự kiến sẽ đạt 54.500 tỷ đồng với sản lượng đạt 18,3 triệu tấn. Con số này tăng cao so với dự kiến hồi đầu năm là 16.500 tỷ. Nhưng theo quy định, Cty liên doanh dầu khí VietsoPetro vẫn được giữ lại 50% số tăng để tái đầu tư, do vậy, ngân sách Nhà nước khi hạch toán gần như không được thêm là bao.

Một trong những lý do để điều chỉnh giá xăng dầu là tình trạng xuất lậu sang biên giới. Mức giá mới này có hạn chế được tình trạng này không thưa ông?

Sở dĩ, xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu là do mức giá chênh lệch quá lớn giữa VN với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, giá các mặt hàng đã tăng bình quân 18% nên khả năng hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu là rất cao.

Tác động của lần điều chỉnh giá xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng như thế nào?

Nếu cứ để biến động chỉ số giá tiêu dùng cao, sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát và rất nguy hiểm cho cân đối vĩ mô chung của nền kinh tế.

Khi quyết định tăng giá xăng dầu, Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc mức tăng sao cho không ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Đi đôi với nó là áp dụng đồng bộ các biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm xăng dầu, để không vì giá xăng dầu mà đội giá bán sản phẩm. Đặc biệt là phải đảm bảo cầu không vượt cung, trong đó các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, xi măng, phân bón, điện... phải đảm bảo không được thiếu.

Chúng tôi tin, với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì có thể giữ được chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng ở mức Quốc hội đã phê duyệt (6,5%).

MỚI - NÓNG