Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do tôn giả

Một cửa hàng bán tôn kém chất lượng tại Đà Nẵng.
Một cửa hàng bán tôn kém chất lượng tại Đà Nẵng.
TPO - Theo ước tính, do tôn giả, tôn nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn ngập thị trường khiến các doanh nghiệp trong nước thiệt hại ước tính hơn 9.000 tỷ đồng trong khi người tiêu dùng và ngân sách cũng bị móc túi hàng trăm tỷ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bày tỏ sự bức xúc về tình trạng tôn giả, tôn nhái tràn ngập thị trường gây thiệt hại cho nền kinh tế tại Hội thảo “Tình trạng Tôn gian, kém chất lượng nhập khẩu: hậu quả và giải pháp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tôn chất lượng kém nhập khẩu vào thị trường tăng mạnh khiến lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước tổn thất nghiêm trọng. 

Hình thức gian lận phổ biến nhất là các nhà nhập khẩu, phân phối in nhãn mác giả, nhái thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong nước đồng thời gian lận độ dày để lừa dối người tiêu dùng.

Theo ông Sưa, ước với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương 519.527 tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất 9.351 tỷ đồng. Người tiêu dùng cũng bị thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng do mua phải tôn giả, tôn kém chất lượng, bị ăn bớt độ dày của tôn. Cùng đó, ngân sách nhà nước cũng chịu thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do những chiêu trò gian lận, trốn thuế của một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối các mặt hàng tôn không rõ xuất xứ, kém chất lượng. 

“Các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để quản lý triệt để chất lượng tôn thép như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu. Quy chuẩn này sẽ được sử dụng làm thước đo xử phạt hàng giả hàng nhái”, ông Sưa đề xuất.     

Khá bức xúc trước tình trạng tôn giả, tôn nhái ngang nhiên tồn tại trên thị trường, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hành vi giả nhãn hiệu, bán tôn đôn dem nhằm thu lợi bất chính là hành vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, về nhãn hàng hóa và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, tôn mạ và tôn sơn phủ màu rất khó xác định chất lượng nếu quan sát bằng mắt thường. Chỉ có thiết bị chuyên dụng mới xác định được chất lượng và độ dày của tôn. Cùng đó, việc người tiêu dùng không có nhiều thông tin, hiểu biết về mặt hàng tôn chính là cơ hội cho những hành vi gian lận để trục lợi. Thậm chí người tiêu dùng trở thành nạn nhân của hành vi sản xuất, kinh doanh tôn giả, nhiều khi bị móc túi mà không hề hay biết.

Thực tế cho thấy, tùy theo yêu cầu, các chủ hàng, các đại lý sẵn safng đổi trắng thay đen để hô biến những cuộn tôn nhập khẩu không tên tuổi trở thành những nhãn hiệu tôn nổi tiếng trong nước. Cụ thể, bằng thủ đoạn đôn dem, người bán cũng móc túi người tiêu dùng một khoản tiền không hề nhỏ từ hành vi này.

“Sau một năm, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình trạng tôn giả, tôn nhái vẫn chưa được cải thiện nhiều. Các doanh nghiệp vẫn loay hoay chống đỡ, người tiêu dùng vẫn bị móc túi. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, tôn nhái, tôn sai nhãn mác, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ có mặt từ bắc đến nam, không chỉ xuất hiện ở các tỉnh mà còn ngang nhiên được bày bán tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển sang cơ quan điều tra xem xét”, ông Hùng cho biết. 

Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc tập đoàn Hoa Sen cho rằng, hậu quả của tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện đã quá rõ ràng và ở mức báo động nghiêm trọng. Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang ở thế tiến thoái lưỡng nan do bị vấp phải những hàng rào thương mại, kỹ thuật khắt khe ở nước ngoài thì trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ tôn giả, tôn nhái.  Để bảo vệ ngành thép nói chung và ngành tôn nói riêng, cần có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất và kinh doanh gian dối, kiếm lời bất chính. Ngoài ra, cần ban hành quy định cụ thể và chặt chẽ về việc in thông tin sản phẩm lên bề mặt tôn.

“Về lâu dài, cần ban hành một bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thếp. Đây là điều cần thiết do tôn nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm tới 90% lượng tôn nhập vào Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng nền sản xuất trong nước”, ông Thanh kiến nghị.

MỚI - NÓNG