Thiện nguyện từ tâm hay làm màu?

0:00 / 0:00
0:00
Đó là nội dung được đưa ra trong buổi tọa đàm "Giới trẻ làm thiện nguyện: Từ tâm hay làm màu" cho gần 200 sinh viên, thanh niên trên địa bàn TP. Hà Nội, được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp với Học viện Phụ nữ tổ chức vào ngày 28/10.

Buổi tọa đàm nhằm mục đích kết nối, hỗ trợ thanh niên phát triển và phát huy tối đa tiềm năng trong quá trình học tập, tạo dựng sự nghiệp, tham gia hoạt động xã hội. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi huấn luyện dành cho các bạn trẻ trong Chương trình phát triển sinh viên (DynaGen-Initiative) khóa 4 của VSF, được thực hiện trong vòng 1 năm. Với các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, cố vấn nghề nghiệp, kết nối mạng lưới..., các bạn trẻ sẽ được nâng cao các kiến thức và kỹ năng còn thiếu để trở nên năng động, nhanh nhạy và thích nghi tốt hơn trong mọi môi trường.

Chương trình có sự tham gia tình nguyện của các diễn giả có kinh nghiệm và trực tiếp triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng gồm Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà; Ths. Bs. Trương Tố Quyên, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Châm cứu Trung ương; chị Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Chương trình Dân tộc Thiểu số, Viện iSEE và BTV, MC Hạnh Phúc, Đài Truyền hình Việt Nam.

Thiện nguyện từ tâm hay làm màu? ảnh 1

Các khách mời chia sẻ trong buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, MC Hạnh Phúc chia sẻ quan điểm về hoạt động thiện nguyện từ tâm và hoạt động thiện nguyện để “làm màu”, cách truyền thông trong quá trình làm thiện nguyện để lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng mà không bị coi là câu like. Giới hạn của việc “khoe” các hoạt động thiện nguyện trên mạng xã hội cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi, trong bối cảnh hiện nay giới trẻ thường xuyên cập nhật đời sống cá nhân trên các trang mạng xã hội như một cách bày tỏ quan điểm sống.

"Tôi nghĩ, khi đăng tải lên một nền tảng xã hội, việc "câu like" (lượt thích - PV) rất bình thường. Chúng tôi là những người sản xuất nội dung, phải làm sao có được nhiều khán giả theo dõi những nội dung mà chúng tôi sáng tạo. Ở khía cạnh công việc, rất cần điều đó. Các bạn cho rằng đó là "câu", nhưng tôi cho rằng đó là sự lan tỏa đến cộng đồng", Mc Hạnh Phúc phát biểu trong buổi tọa đàm.

Là một người tham gia trực tiếp các hoạt động thiện nguyện, nhất là sau khi đăng quang, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã có những chia sẻ với các bạn sinh viên thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động cộng đồng. Hoa hậu Việt Nam năm 2020 cũng nêu quan điểm về vai trò của người nổi tiếng (KOL) trong việc lan tỏa các giá trị của hoạt động thiện nguyện cho giới trẻ. "Khi đăng những hoạt động từ thiện lên mạng xã hội, tôi cũng giống như những người nổi tiếng khác, phải đối diện với những luồng ý kiến trái chiều. Đối mặt với những lời chê bai, chỉ trích, liệu tôi có đi tiếp không, có chứ. Đúng, cũng có thể là làm màu, nhưng là làm màu sắc tươi sáng hơn cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là điều tích cực mà tôi muốn hướng tới", Hoa hậu Đỗ Thị Hà bày tỏ.

Thiện nguyện từ tâm hay làm màu? ảnh 2
Vũ Thị Hải Anh, sinh viên khiếm thị chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Trong buổi tọa đàm, sinh viên cũng có cơ hội trao đổi trực tiếp và đặt câu hỏi cho 4 diễn giả để giải đáp những thắc mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Với Tọa đàm này, VSF mong muốn gợi mở cho các bạn sinh viên quan điểm đa chiều về “cho và nhận”, cũng như truyền cảm hứng để xây dựng một thế hệ trẻ tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho xã hội.

Vũ Thị Hải Anh, sinh viên khiếm thị, ngành Báo chí, trường Đại học Xã hội và Nhân Văn, chia sẻ câu chuyện về kinh nghiệm kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ dành cho những hoàn cảnh khó khăn. "Cảm ơn buổi tọa đàm ý nghĩa này. Em cũng từng có kinh nghiệm trong việc kêu gọi hỗ trợ cho cộng đồng người khiếm khuyết như em hoặc cộng đồng khác nữa. Có rất nhiều quỹ trong và ngoài nước sẵn sàng hỗ trợ để những người như em có cơ hội nhận được sự giúp đỡ. Em biết ơn vì điều đó, và hi vọng lan tỏa những điều mình biết để góp phần những hoàn cảnh khó khăn giống như em", Hải Anh nói.

Thiện nguyện từ tâm hay làm màu? ảnh 3

Các sinh viên chụp ảnh cùng các diễn ra trong tọa đàm.

DynaGen Initiative là một chương trình phát triển sinh viên do VSF và Báo Giáo dục & Thời đại (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) triển khai từ năm 2019, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Bắc Á và Tập đoàn TH. Qua 3 mùa triển khai, chương trình đã tuyển chọn và huấn luyện được 180 sinh viên, 3.000 sinh viên được tiếp cận kiến thức thông qua các hội thảo, chương trình truyền thông, 55 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính, 21 khóa tập huấn, hội thảo, tọa đàm được thực hiện, 12 dự án cộng đồng của sinh viên được tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật để triển khai với hơn 10.000 người hưởng lợi.
MỚI - NÓNG