Cơ sở vật chất thiếu thốn nơi điểm trường xa
Đây là hoạt động tiếp theo trong Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học trong khuôn khổ Chương trình Điều ước cho em - kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gặp cô Hà Thị Ích - Phó hiệu trưởng trường Mầm non Phúc Long 3 (Hàm Yên, Tuyên Quang), nơi có gần 60 em học sinh dân tộc Dao đang theo học, chúng tôi cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả của các giáo viên đang từng ngày nâng bước các con đến trường.
Cô Ích (áo đỏ bên phải) chia sẻ về khó khăn của điểm trường |
Điểm trường nằm trên một quả đồi cách trường chính gần 5km, càng đi vào gần điểm trường, đường càng nhỏ và khó đi. Xung quanh trường là nơi đồng bào dân tộc Dao cư trú. Mỗi năm, điểm trường đó gần 60 học sinh theo học, nhưng vì cơ sở vật chất thiếu thốn nên chỉ được chia làm làm hai lớp, và do 4 cô phụ trách.
Lớp học quá tải, nhưng nhà vệ sinh cũng không khá hơn. Trường có hai nhà vệ sinh, một nhà vệ sinh nhỏ khép kín, còn một nhà vệ sinh ở bên ngoài hai buồng, mỗi khi trời mưa hoặc gió rét là không thể sử dụng.
“Về cơ sở vật chất thì đồ dùng, đồ chơi còn thiếu thốn và đặc biệt là nhà vệ sinh. Các cháu trong lớp bé phải đi ở nhà vệ sinh bên ngoài, rất bất tiện khi trời nắng, trời mưa. Những ngày như vậy, các cô lại phải tạo điều kiện để cho các cháu đi có bô” - Cô Ích cho biết.
Cũng trên địa bàn huyện, điểm trường chính của trường Tiểu học Thành Long, nơi đang có 350 em học sinh theo học, chỉ có một nhà vệ sinh xây dựng cách đây hơn chục năm, đã xuống cấp và phải liên tục tu sửa hàng năm. Bên cạnh là nhà vệ sinh tạm của các thầy cô nhưng cũng thường xuyên bị tốc mái mỗi khi gió lớn. Do số học sinh đông, nhà vệ sinh không thể đáp ứng nên dù có tiết ra chơi giữa giờ, nhà vệ sinh vẫn không thể phục vụ được hết nhu cầu của học sinh.
Điểm trường tạm ở trường Thành Long mới được gia cố mái |
“Nhiều em lớp 1 thậm chí còn đi ra quần và phải về nhà thay, hoặc các cô gọi bố mẹ mang đồ đến” - Cô Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Học sinh tại điểm trường có đến 60% là dân tộc Cao Lan, còn lại là dân tộc Dao, Tày và một số dân tộc thiểu số khác, nhà các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thu phí vệ sinh, nhà trường vẫn không thu và đều nhờ các thầy, cô trong trường thay phiên nhau dọn dẹp.
Hiện thực hóa “Điều ước cho em”
Nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội, những ngày này, Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học trong khuôn khổ chương trình "Điều ước cho em" do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Tập đoàn TH, BAC A BANK cùng Trung Ương đoàn Thanh niên và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được tiếp nối tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án này, giúp các học sinh ở những vùng khó khăn có một môi trường học tập thân thiện, bớt đi những nỗi ám ảnh về các nhà vệ sinh tạm bợ.
Ngày 17/12, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt, Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á cùng tỉnh đoàn Tuyên Quang, chính quyền địa phương tổ chức Lễ khởi công 32 “nhà vệ sinh cho em” tại Tuyên Quang, Lào Cai và Lai Châu. Trong đó có 10 nhà vệ sinh ở Tuyên Quang, 20 nhà vệ sinh ở Lào Cai, 2 nhà vệ sinh ở Lai Châu. Lễ khởi công chính được diễn ra tại Trường Phổ thông DTBT THCS Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt cho biết “Chúng tôi hiểu rằng, bên cạnh sự chăm lo của các thầy, cô giáo, thì cơ sở vật chất cũng đóng vai trò rất quan trọng. Mong rằng công trình ngày hôm nay sẽ góp phần hỗ trợ các em chăm sóc bản thân tốt hơn và yên tâm học tập. Mong các em cũng sẽ gìn giữ công trình ý nghĩa này để công trình tiếp tục phục vụ cho các thế hệ tiếp theo”.
Bà Như Trang chia sẻ và mong muốn các công trình nhà vệ sinh cho em sẽ lan tỏa, thu hút sự tham gia của đông đảo các nguồn lực xã hội khác đầu tư đúng hướng cho trẻ em để có một môi trường học tập “trường học thân thiện, học sinh khỏe mạnh”.
“Rất xúc động khi mong mỏi của thầy trò nhà trường đã thành sự thật. Chúng tôi cam kết sẽ tuyên truyền, hướng dẫn học sinh để các em có ý thức giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm hiệu quả sử dụng lâu dài.” - cô Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT THCS Hùng Đức, đại diện 10 trường tại Tuyên Quang chia sẻ tại lễ khởi công.
Em Hoàng Anh Thư, lớp 7A2, Trường Hùng Đức hào hứng trước thông tin chuẩn bị có nhà vệ sinh mới: “Thật vui khi chỉ một thời gian nữa, chúng em sẽ không còn chịu cảnh mất vệ sinh vì quá tải nhà vệ sinh mỗi giờ ra chơi”.
Hoạt động này được tổ chức vào dịp rất ý nghĩa - hưởng ứng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII và Ngày Thanh niên hành động. Cùng chung ý nghĩa này, ngay sau lễ khởi công, các tình nguyện viên - thanh niên của Tập đoàn TH, Quỹ Vì tầm vóc Việt và Ngân hàng TMCP Bắc Á cùng các đoàn viên, thanh niên địa phương đã trực tiếp tham gia đào móng, trộn vữa, bê đất… để khởi công công trình.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động ngày 17.12, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã trao tặng tủ sách trị giá 10 triệu đồng và 1.200 ly sữa tươi sạch TH true MILK HILO cho trường Hùng Đức.
Với tâm niệm thể lực và trí lực của thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước, của giống nòi, bởi vậy nâng cao dinh dưỡng học đường, vệ sinh học đường nói riêng và sức khỏe học đường nói chung, là hành động ưu tiên của Tập đoàn TH, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và BAC A BANK khi thực hiện trách nhiệm xã hội. Mục tiêu dài hơi mà tập đoàn TH theo đuổi, đó là khởi xướng và đóng góp thiết thực cho chương trình bền vững và toàn diện hơn: Chương trình Sức khỏe học đường. Thời gian qua, cùng với Dự án 1.000 nhà vệ sinh, Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á thông qua Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã mang đến hàng trăm ngàn bữa ăn cho trẻ em vùng cao, hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số; hàng trăm điểm trường, cây cầu và đường dân sinh cho các vùng khó khăn trên cả nước với kinh phí mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.