Thiên Chúa giáo, Phật giáo Việt Nam và quốc tế phản đối Trung Quốc

Buổi thắp nến cầu nguyện cho ngư dân và chiến sỹ tại một thánh đường ở Hà Nội
Buổi thắp nến cầu nguyện cho ngư dân và chiến sỹ tại một thánh đường ở Hà Nội
TP - Sau khi phía Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) Phaolô Bùi Văn Đọc đã có thư khẩn kêu gọi giám mục, linh mục, tu sỹ, giáo dân thuộc các giáo phận trên cả nước hướng về ngư dân, các chiến sỹ đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tại biển Đông. Còn các học giả, các nhà nghiên cứu Phật giáo quốc tế, họ đều phản đối hành động của Trung Quốc.

Kêu gọi giáo dân hướng về biển đảo

Ngày 9/5, Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN đã có thư kêu gọi các giáo phận tổ chức cầu nguyện cho quê hương.

Ngài kêu gọi người Công giáo Việt Nam rằng: Đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI huấn dụ, “là người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”. Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai.

Theo ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều ngôi thánh đường thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, Giáo phận Phát Diệm, Giáo phận Vinh, Tổng Giáo phận TPHCM đã gióng chuông kêu gọi tín hữu để cầu nguyện cho công lý và hòa bình cho toàn vẹn lãnh thổ.

Ngay trong buổi chiều tối thứ Bảy (10/5) và ngày Chủ nhật (11/5) đã có hàng vạn bà con giáo dân tiến tới các thánh đường để cầu nguyện với khẩu hiệu “Tổ quốc cần chúng con xin có mặt” và sẵn sàng đóng góp giúp đỡ ngư dân, các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại biển Đông như một cánh tay nối dài để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Giáo dân Phạm Văn Thịnh, Giáo xứ Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm) nói: Là người kinh doanh bao giờ tôi cũng đặt lòng yêu đất nước, yêu Tổ quốc lên hàng đầu. Có hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, tôi mới yên ổn kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, Linh mục Joshep Vũ Khởi (Hà Nội) chia sẻ: Đối với giáo lý Công giáo, dạy con người ăn ngay ở lành, bảo vệ lẽ phải. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải, uy hiếp ngư dân Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức buổi cầu nguyện cho ngư dân, cho những người đang làm nhiệm vụ nơi biển cả và phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta. Buổi cầu nguyện đã thu hút hàng nghìn người, cả lương lẫn giáo tới tham dự, họ cùng đồng lòng sẵn sàng bảo vệ lẽ phải bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ.

Học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo quốc tế lên án Trung Quốc

Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) nơi diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2014, phóng viên đã trao đổi với một số học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo, họ đều có chung quan điểm là phản đối hành động sai trái của Trung Quốc.

Ông Jonh M.Scorsin, Luật sư, học giả Phật giáo Hoa Kỳ nói: Tôi đã biết, tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng giội vào kiểm ngư Việt Nam. Chúng ta phải dựa vào luật pháp quốc tế để đàm phán hòa bình. Nhìn về góc độ Phật giáo, các quốc gia cần chung tay để gìn giữ hòa bình thông qua ngoại giao và đối thoại cởi mở.

Tiếp lời ông Jonh M.Scorsin, ông Andrew William, Nhà nghiên cứu Phật giáo Australia bày tỏ: Khi một quốc gia khác có bất cứ hành động gì trong khu vực thuộc lãnh thổ của quốc gia khác thì họ cần có sự xin phép của quốc gia có chủ quyền. Tất cả các quốc gia cần tôn trọng nhau, tôn trọng cuộc sống của nhau cũng như văn hóa, ngôn ngữ của nhau.

Ông Mahathero, Nhà nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ cho rằng: Trung Quốc không có quyền xâm phạm chủ quyền quốc gia khác, nếu vùng trời, vùng biển thuộc về quốc gia đó.

MỚI - NÓNG