Thi THPT quốc gia: Lo đề khó và rộng, học sinh đổ xô đi lò luyện

Học sinh năm nay đối mặt với kỳ thi THPT quốc gia căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với năm 2017.
Học sinh năm nay đối mặt với kỳ thi THPT quốc gia căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với năm 2017.
TP - Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhiều học sinh thừa nhận, ngoài học ở trường, các em phải lao đến các lò luyện thi kín cả tuần đầy căng thẳng, mệt mỏi. Bởi không giống năm ngoái chỉ giới hạn thi kiến thức lớp 12, năm nay các em phải gồng mình học toàn bộ kiến thức lớp 12 lẫn 11.

Mệt mỏi, căng thẳng

Nguyễn Hoàng Nam Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ, giữa tháng 11, em làm đề minh họa của Bộ GD&ĐT, tháng 12 dự kỳ thi thử của Sở GD&ĐT thì thấy đề năm nay khó, có sự phân hóa cao so với năm trước. Ngoài học trên lớp, Nam Anh học nhóm cùng bạn và cả nhóm tiến hành giải nhiều đề trên online đến cả trăm lượt nhưng vẫn chưa đủ tự tin để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia tới. Nam Anh cho biết: “Điều em lo lắng nhất là cùng lúc phải học kiến thức lớp 12 và ôn tập hết và sâu cả kiến thức lớp 11, vì đề có thể ra bất cứ chỗ nào trong chương trình hai lớp trên”.

Nguyễn Hoàng Thu Phương, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Em cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi vì sau giờ học buổi sáng ở trường, em chỉ có khoảng 1 giờ để ăn trưa rồi học tiếp luôn cả chiều”. Thu Phương mong: “Trong đề thi tới đây, Bộ nên giảm độ khó đi thì bọn em mới có thể đạt kết quả tốt được”. Còn Đỗ Nhật Duy, học sinh lớp 12 cùng trường cũng thừa nhận, lượng kiến thức để ôn thi quá rộng vì thế ngoài giờ học ở trường, hàng tuần em phải đi học thêm kín lịch ở các trung tâm khác.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã tiến hành một khảo sát học sinh lớp 12 toàn trường, kết quả cho thấy  có tới 71,9% học sinh lo lắng về  đề thi năm nay, trong đó có 80% em lo lắng về lượng kiến thức quá nhiều. Hầu hết học sinh trả lời đến thời điểm này vẫn chưa học xong chương trình lớp 12, không có thời gian để ôn tập kiến thức lớp 11. Đặc biệt, có khoảng 30% học sinh tìm đến các lò luyện thi để học thêm, có học sinh phải học ở lò luyện thi hầu hết thời gian trong tuần. Ở phần bày tỏ mong muốn, học sinh mong được Bộ GD&ĐT tiết giảm độ khó so với đề minh họa.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên một trường THPT ở Hà Tĩnh cho rằng, vì thi trắc nghiệm cho nên bất cứ một chi tiết nhỏ nào cũng có thể vào đề thi, vì vậy học sinh được yêu cầu học chắc và kỹ kiến thức lớp 12, không bỏ sót bất cứ phần nào. Cộng thêm việc thi kiến thức lớp 11 nên học sinh rất căng thẳng. “Đặc biệt, trong đề minh họa  vừa rồi xuất hiện những câu hỏi khó, khiến học sinh khá, giỏi cũng hoang mang dẫn đến phải đi học thêm, luyện thi. Điều này rất bất hợp lý so với một kỳ thi trong có cả chức năng xét tốt nghiệp THPT”, cô Mai nói.

Buộc phải học thêm, luyện thi

Để đưa kiến thức lớp 11,12 vào đề thi năm nay và kiến thức lớp 10, 11, 12 vào đề thi năm sau thì trước đó Bộ GD&ĐT đã có thông báo để giáo viên, học sinh chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên, khi bước vào học và ôn tập nhiều giáo viên, nhà quản lý cho rằng, học sinh năm nay và năm tiếp theo phải đối mặt với kỳ thi THPT quốc gia cực kỳ áp lực. Để thi cử, học sinh phải nhồi nhét, ôn luyện lượng kiến thức lớn chỉ trong một thời gian ngắn là không công bằng.

“Mỗi đề minh họa, đều có khoảng 8 câu hỏi khó, chưa kể có những câu ở phần nâng cao là đánh đố học sinh. Mà như vậy, vô hình đẩy học sinh lao vào con đường học thêm, luyện thi”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: “Việc đưa thêm kiến thức lớp 11 vào đề thi cùng với độ phân hóa cao khiến học sinh chịu áp lực gấp đôi. Hầu hết các đề minh họa Bộ ban hành đều tăng độ khó lên nhiều, như đề tuyển ĐH chứ không phải dành cho kỳ thi THPT quốc gia. Mỗi đề, đều có khoảng 8 câu hỏi khó, chưa kể có những câu ở phần nâng cao là đánh đố học sinh. Mà như vậy, vô hình đẩy học sinh lao vào con đường học thêm, luyện thi”, ông Hòa nói.

Một giáo viên dạy Hóa học cho rằng, bài thi môn Hóa bao gồm kiến thức lớp 11 và 12 thực chất là bao gồm kiến thức xâu chuỗi từ lớp 10-12. Ngoài thời gian học chính, hiện nay, học sinh không đủ thời gian để ôn luyện thi vì nhà trường chỉ bố trí được 1 tiết/tuần. Vì vậy, học sinh muốn đạt mục tiêu 7-8 điểm phải rèn được những kỹ năng giải một số dạng toán hóa cơ bản và tập trung luyện đề để có kinh nghiệm.

Thầy Đào Nguyên Sử, giáo viên dạy Toán Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng thẳng thắn: “Nếu đề thi THPT quốc gia năm nay không giảm độ khó ở những câu phân hóa thì học sinh khó để đạt điểm cao”. Thầy Sử cho rằng, vì đề phân hóa cao nên ngoài việc nắm kiến thức tốt, học sinh phải thật sự có tư duy mới làm tốt.  Nếu không, đa số học sinh chỉ làm bài được ở mức độ trung bình và đạt mức điểm trung bình. “Từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian nên học sinh cần tăng tốc giải nhiều bộ đề trên mạng cũng như giải đề thầy cô để luyện phản xạ và có kỹ năng”, thầy Sử nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ông Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, học sinh năm nay lo lắng, căng thẳng hơn năm trước khi vừa phải thi thêm kiến thức lớp 11 vừa có độ phân hóa cao. Tổ chức thi cử thế nào để đảm bảo ổn định, không nên làm khó và buộc học sinh phải nhồi nhét. “Học nhồi nhét chỉ để phục vụ kỳ thi sẽ không đạt hiệu quả giáo dục”, ông Lâm nói.

MỚI - NÓNG