Sáng 24/8, UBND Thành phố Hà Nội đã có buổi họp thống nhất về việc tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo đó, không gian đi bộ sẽ bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường), Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ), một phần Bảo Khánh, Tràng Thi, Hàng Trống.
Các hoạt động văn hoá thể thao sẽ được tổ chức tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực 16 Lê Thái Tổ, khu vực tượng đài Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc. Trong đó có các chương trình đặc sắc như: nhạc nước, ánh sáng nghệ thuật, ca trù, hát chèo, nhạc cụ dân tộc và Phố Sách tại khu vực Nguyễn Xí, Đinh Lễ.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong về tuyến phố đi bộ trong vùng lõi phố cổ, ông Phạm Tuấn Long-Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin, trên những phố này chỉ 70 cửa hàng kinh doanh dịch vụ, nhưng đến nay số cửa hàng kinh doanh đã tăng lên 450. Khi UBND quận Hoàn Kiếm bắt đầu thực hiện chỉnh trang phố Tạ Hiện, mức giá thuê cửa hàng tại đây thường trên dưới 500 USD/cửa hàng, đến nay giá thuê đã tăng lên 1.500-2.000 USD/cửa hàng. Cùng với đó, các tuyến phố đi bộ cũng góp phần tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân phố cổ, khi có đến 98% người dân chuyển đổi từ các nghề khác sang hoạt động dịch vụ du lịch. Đóng góp lớn cho ngân sách của quận.
PGS Nguyễn Quốc Thông-Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hầu như bất cứ mỗi thành phố lâu đời nào trên thế giới đều có không gian đi bộ cho riêng mình. Việc lựa chọn Hồ Gươm thành không gian đi bộ là hợp lý, tự nhiên và tất yếu. Tuy nhiên cần xây dựng tổng thể các vấn đề về trông giữ xe, phân luồng giao thông một cách hợp lý.
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, từ 1/9 sẽ chính thức triển khai Thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Thời gian hoạt động là cả 3 ngày cuối tuần, từ sáng thứ Sáu đến 24h ngày Chủ nhật.
Theo lãnh đạo thành phố, đây là khu vực ít dân cư, chủ yếu là một số cơ quan hành chính nên việc mở phố đi bộ cả ngày không ảnh hưởng nhiều.
Đối với các chương trình văn nghệ, ông Chung đề nghị: Để người dân, du khách thưởng thức trọn vẹn các chương trình, tránh loãng không gian. Các chương trình văn hoá nghệ thuật nên duy trì theo lịch cố định và chỉ kéo dài 1, 2 tiếng.
Đồng thời, không gian đi bộ cần đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, bố trí các bãi đỗ, gửi xe hợp lý, đảm bảo ổn định sinh hoạt của nhân dân…