Thêm bốn bác sĩ mắc cúm A/H1N1

Thêm bốn bác sĩ mắc cúm A/H1N1
TP - Sau một ngày phát hiện chín bác sĩ và điều dưỡng ở Bệnh viện Thống Nhất TPHCM nhiễm cúm A/H1N1, hôm qua, 6/8, lãnh đạo bệnh viện này xác nhận có thêm bác sĩ ở đây dương tính với cúm A/H1N1.
Thêm bốn bác sĩ mắc cúm A/H1N1 ảnh 1

Khử khuẩn môi trường là biện pháp hạn chế cúm A/H1N1 lây lan - Ảnh: Lê Nguyễn


Phó Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, chỉ có bốn bác sĩ, y tá tiếp xúc với nguồn lây cúm A/H1N1 từ cộng đồng, số còn lại mắc cúm A/H1N1 do tiếp xúc tại khu cách ly bệnh nhân mắc cúm ở bệnh viện.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Nhung - Trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, người đầu tiên nhiễm cúm là bác sĩ H.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Với kinh nghiệm, phương tiện và các điều kiện của mình, chúng ta có đủ khả năng để kiểm soát dịch H1N1 ở Việt Nam”.

Nguyễn Tuấn

“Đến nay các bệnh nhân đều ổn định sức khỏe, đang được cách ly điều trị tại nhà và ở bệnh viện” - bác sĩ Nhung cho biết. 

Tại khu cách ly điều trị cúm A/H1N1 của bệnh viện, hiện có 16 bệnh nhân đang được theo dõi hoặc điều trị cúm A/H1N1, trong đó có một học sinh trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, TPHCM.

Theo bác sĩ Công, mỗi ngày tại phòng khám của bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân với 25 bác sĩ và 30 điều dưỡng phục vụ. Bệnh viện chuẩn bị gần 2.000 viên thuốc Tamiflu để phục vụ điều trị cúm. Sắp tới, Bệnh viện sẽ triển khai thêm một khu cách ly với 50 giường, nâng số giường điều trị cho bệnh nhân lên gần 80 giường.

Bốn phần năm bệnh nhân là trẻ tuổi

Không kỳ thị với người mắc cúm A/H1N1

Sau khi có thông tin một số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 bị hàng xóm xa lánh hoặc kỳ thị không tiếp xúc vì sợ lây bệnh, hôm qua, 5/8 tại cuộc họp giao ban bàn về cách phòng chống cúm A/H1N1, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM yêu cầu nhân viên y tế 24 quận huyện tập trung điều trị cho bệnh nhân, không kỳ thị đối với người mắc bệnh và nghi ngờ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết khi cách ly tại nhà, hàng ngày y tế phường, xã sẽ giám sát và y tế quận huyện sẽ đến thăm khám để theo dõi tình hình bệnh và kịp thời có giải pháp.

Hôm qua, Sở Y tế TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan nên khử khuẩn thường xuyên môi trường sống chung của tập thể.

Bác sĩ Phan Công Hùng - Phó Khoa Y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM cho biết, dịch cúm A/H1N1 sẽ phát triển mạnh vào mùa đông tới là điều khó tránh khỏi.

“Hiện tại, cúm A/H1N1 đã lây lan ra cộng đồng và chưa biết sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu” - bác sĩ Hùng cảnh báo.

Theo bác sĩ Hùng, virus cúm A/H1N1 tồn tại rất lâu trong môi trường, trên các bề mặt bàn, ghế, tay nắm cửa phòng vệ sinh, quần áo, trên giấy và cơ thể.

Qua nghiên cứu số ca nhiễm cúm A/H1N1 tại các tỉnh phía Nam, các bác sĩ Viện Pasteur TPHCM cho biết, 80 phần trăm người lây nhiễm cúm tập trung từ 10 - 30 tuổi. Hiện, Việt Nam mới chỉ có một ca tử vong.

“Trường hợp tử vong trên thế giới do cúm A/H1N1 chủ yếu tập trung ở người già, trẻ em, người đang mắc một loại bệnh về tim, phổi, tiểu đường” - bác sĩ nói.

Bác sĩ Hùng lưu ý, người bị cúm thường có triệu chứng ban đầu như sốt, ho, đau họng. Tuy nhiên, qua điều tra tại Việt Nam cho thấy, một nửa số bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H1N1 không có một triệu chứng nào rõ ràng.

Bác sĩ nhiễm cúm A/H1N1 không có triệu chứng rõ ràng

Chiều tối qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, chín bác sĩ, y tá và điều dưỡng mắc cúm A/H1N1 đều lây lan do tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm đang điều trị tại khu cách ly điều trị cúm A/H1N1 tại bệnh viện.

“Các nhân viên ở đây không có triệu chứng của cúm A/H1N1 rõ ràng, không ho và chỉ sốt thoáng qua. Nhưng do tiếp xúc nhiều với bệnh nhân mắc cúm nên chúng tôi yêu cầu xét nghiệm PCR cho họ, kết quả có chín người dương tính với cúm A/H1N1” - bác sĩ Công cho biết.           

Theo bác sĩ này, hiện bệnh viện cũng có thêm năm bác sĩ, điều dưỡng được xác định nguồn lây từ cộng đồng, nhưng điều tra dịch tễ không xác định được nhiễm bệnh từ đâu.

Quảng Ninh: Ba ca nhiễm cúm A/H1N1

Tối 5/8, Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh phát hiện thêm hai ca dương tính với virus H1N1 khi tối cùng ngày, một bệnh nhân nam di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh tới Quảng Ninh chiều 5/8 cho kết quả ban đầu dương tính với cúm A/H1N1.

Trước đó, ông Vũ Ngọc Quang, 60 tuổi, trú tại số 315, ngõ 4, Cao Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) nhập viện ngày 2/8 với các biểu hiện lâm sàng ho, sốt và mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh nhân này vừa từ Singapore về Việt Nam 31/7 thì nhập viện vì cúm.

Thừa Thiên - Huế: Bảy ca dương tính với cúm A/H1N1

Theo Trung tâm Y tế TP Huế, 5/8, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) đã có bảy bệnh nhân dương tính cúm A/H1N1 trên tổng số 126 người được điều tra.

Bình Thuận: Ba trường hợp dương tính với cúm A/H1N1

Chiều 5/8, Sở Y tế Bình Thuận chính thức công bố ba trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên ở tỉnh.

Trường hợp đầu tiên là ông Luc Clement, 56 tuổi, một du khách người Bỉ. Sau khi viện Pasteur chính thức thông báo kết quả dương tính với cúm A/H1N1, bệnh nhân này đã rời khỏi Việt Nam.

Hai trường hợp tiếp theo là chị Nguyễn Thị Hiền (39 tuổi, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) nhiễm bệnh sau khi đi du lịch Philippines về; và em Nguyễn Minh Đức (15 tuổi, phường Phú Trinh, Phan Thiết) trước đó có tiếp xúc với một trường hợp nhiễm bệnh về từ Singapore.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã đang giám sát, theo dõi hơn 130 người nghi nhiễm cúm A/H1N1.  

Tiền Giang: 11 ngày vẫn dương tính với cúm A/H1N1

Chiều 5/8, Bác sĩ Trần Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Tỉnh Tiền Giang, cho biết, dù đã điều trị cách ly qua 11 ngày và ba lần xét nghiệm nhưng bệnh nhân Trần Văn Chương, 50 tuổi, Việt kiều Mỹ, tạm trú tại phường 7 (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) vẫn dương tính với cúm A/H1N1.

Theo đề nghị của gia đình, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tỉnh Tiền Giang chuyển ông Chương đến Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị. Với bốn bệnh nhân còn lại, điều trị 8 - 10 ngày nhưng xét nghiệm lần hai vẫn dương tính cúm A/H1N1.

Sở Y tế Tiền Giang nhận định, các ca bệnh cúm này diễn biến rất phức tạp, so với ba ca xuất viện trước đây. Dù không còn nóng sốt nhưng mầm bệnh vẫn còn.

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, một người đi lao động ở tỉnh Bình Dương trở về, bị nghi nhiễm cúm A/H1N1 đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang. 

Đồng Nai: Ca nhiễm cúm A/H1N1 thứ 59

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 5/8, Đồng Nai ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 nâng tổng số bệnh nhân mắc căn bệnh này trong toàn tỉnh lên 59 người.

Bệnh nhân mới nhiễm bệnh là Việt kiều Pháp, 40 tuổi về Việt Nam ngày 2/8, ngụ tại TP Biên Hòa sau đó phát bệnh. 

Thành Duy - Tâm Thiện - Phương Thảo - Châu Thành - Đức Minh

MỚI - NÓNG