Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay, 6/1, cho biết vào khoảng 9h30’ sáng, phía Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu cuộc trao đổi qua đường dây nóng tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm về thành phần của phái đoàn tham gia cuộc hội đàm cấp cao diễn ra ngày 9/1 tới.
Trong khi Seoul đề xuất một phái đoàn gồm năm thành viên do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon dẫn đầu, thì Bình Nhưỡng vẫn chưa cung cấp thông tin cụ thể.
Phái đoàn của Hàn Quốc còn bao gồm hai Thứ trưởng đến từ Bộ Thống nhất và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch.
“Hai bên kết thúc cuộc thảo luận vào lúc 17h45’ và sẽ tiếp tục trao đổi thông tin vào Chủ nhật, 7/1”, quan chức nói trên tiết lộ.
Trước đó, hai miền Triều Tiên đã nhất trí sẽ tổ chức một cuộc hội đàm cấp cao chính thức vào thứ Ba tuần tới tại làng Bàn Môn Điếm. Đây là cuộc đối thoại cấp cao liên Triều đầu tiên kể từ tháng 12/2015.
Theo Bộ trưởng Cho Myoung-gyon, nội dung chính trong cuộc đàm phán sắp tới sẽ là sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông Olympic PyeongChang.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hai bên có thể sẽ thảo luận về cách cải thiện quan hệ liên Triều, nhưng chỉ sau khi hoàn tất việc bàn bạc về thế vận hội.
Các nội dung hội đàm liên quan đến thế vận hội có thể bao gồm việc liệu phái đoàn Triều Tiên có di chuyển bằng đường bộ hay không, và liệu hai miền Triều Tiên có thể diễu hành dưới lá cờ Hàn Quốc thống nhất trong lễ khai mạc và bế mạc hay không.
Nếu phái đoàn Triều Tiên di chuyển bằng đường bộ, thì các cơ quan quân sự hai nước sẽ cần bàn bạc kĩ lưỡng. Nếu Bình Nhưỡng cử thêm đội cổ vũ và biểu diễn nghệ thuật, thì hai bên sẽ cần thảo luận về các chi tiết như cách di chuyển, chỗ ở, an ninh và chi phí sinh hoạt.
Ông Cho Myoung-gyon, 61 tuổi, là một nhà đàm phán kì cựu và có nhiều kinh nghiệm trong việc đối thoại liên Triều. Ông từng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi năm 2007.
Theo Yonhap, rất có thể ông Ri Son-gwon – Chủ tịch Ủy ban Thống nhất của Triều Tiên sẽ là người dẫn đầu phái đoàn Bình Nhưỡng trong cuộc hội đàm.
Việc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang được xem là một cử chỉ ôn hòa giúp giảm căng thẳng trên bán đảo. Hàn Quốc và Mỹ cũng đã đồng ý hoãn các cuộc tập trận quân sự dự kiến diễn ra cùng lúc với thế vận hội để hạn chế sự khiêu khích từ Triều Tiên.
Theo giới truyền thông nước ngoài, ông Chang Ung – thành viên duy nhất của Triều Tiên trong Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), đã phát biểu trước các phóng viên tại sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) rằng Bình Nhưỡng “có khả năng sẽ tham gia” Olympic PyongChang, diễn ra từ ngày 9 đến 25/2 tới.
Ông Chang Ung được cho là đang trên đường đến Thụy Sĩ gặp các quan chức IOC để thảo luận về sự góp mặt của các vận động viên Triều Tiên tại Olympic.
IOC cho biết tổ chức này sẵn sàng chi trả chi phí sinh hoạt cho các vận động viên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý tham gia thế vận hội.