Thế giới và cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân

Thế giới và cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân
TP - Hiện có 435 lò phản ứng hạt nhân ở 31 nước trên khắp thế giới nhưng mới chỉ đáp ứng được 6,5% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu và có gần 70.000 tấn uranium được làm giàu mỗi năm.
Thế giới và cuộc chạy đua năng lượng hạt nhân ảnh 1
Nhà máy năng lượng hạt nhân Sellafield ở miền Bắc nước Anh

Các nhà máy năng lượng hạt nhân chỉ sản xuất được 1/6 lượng điện trên toàn cầu – gần bằng với năng lượng nước.

Ngoài cuộc vận động chống năng lượng nguyên tử, rào cản chính trong xây dựng các nhà máy này lại là vấn đề kinh phí. Năm 1970, chi phí để xây dựng 1 lò phản ứng hạt nhân vào khoảng 400 triệu USD, nhưng nay đã tăng gấp 10 lần. Tuy nhiên, nền công nghiệp này đang hồi phục. Số lò phản ứng hạt nhân sẽ sớm tăng vọt lên khoảng 700.

Hiện có 29 lò đang được xây dựng và 64 lò khác đã được lên kế hoạch xây dựng cụ thể. Ngoài ra còn có 158 lò khác đang được xem xét, cân nhắc. Trong khi đó, chỉ có 6 lò đang trong quá trình chuẩn bị đóng cửa, nhưng diễn ra rất chậm. Do nhu cầu gia tăng, giá uranium đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 2002 và hiện được bán với giá 72 USD/1 pound (454 g).

Pháp được xem là một trong những nước phát huy hiệu quả kỹ thuật nguyên tử với 8% nguồn năng lượng trong nước do các nhà máy năng lượng nguyên tử sản xuất. Lát-vi đang muốn thay thế lò phản ứng cũ kỹ Ignalina để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì chi phí lên tới 3 tỷ euro.

Ukraine cũng muốn xây dựng thêm nhiều nhà máy năng lượng hạt nhân nữa để tăng sự tự chủ về năng lượng, bất chấp thảm họa Chernobyl. Bulgaria và CH Séc đang bàn kế hoạch cùng xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân mới.

Ba Lan đang xem xét xây dựng 1 lò phản ứng hạt nhân mới sau năm 2020 vì các nhà máy năng lượng than của họ sẽ sớm bị loại bỏ vì không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ về môi trường của Liên minh châu Âu. Chính phủ Anh cũng muốn xây thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân mới thay thế cho các nhà máy nhiệt điện đã cũ.

Canada và Australia đang là nhà cung cấp uranium quan trọng của thế giới; tiếp đến là Kazakhstan, Nga, Uzbekistan, Namibia và Nigeria. Kazakhstan đang muốn vượt qua Canada để trở thành nhà cung cấp uranium hàng đầu thế giới vào năm 2010. Đây là một trong những lý do khiến các Cty của Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc đang đua nhau đầu tư vào Kazakhstan.

Ấn Độ cũng đang cân nhắc việc xây dựng 19 lò phản ứng hạt nhân mới, trong khi Trung Quốc muốn xây dựng ít nhất 63 cơ sở để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Mỹ cũng đang dự tính kế hoạch xây dựng hơn 20 nhà máy năng lượng hạt nhân mới. Nga muốn có thêm khoảng 30 lò phản ứng mới, một phần vì tập đoàn Gazprom không muốn bán gas tự nhiên tại thị trường nội địa với giá rẻ. Matxcơva hi vọng sẽ thu hút được 30 tỷ USD đầu tư từ nước ngoài để xây dựng các nhà máy năng lượng nguyên tử…

Mặc dù các nước đang đua nhau xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân, hiện vẫn còn 1,6 tỷ người trên thế giới chưa được dùng điện; 2,4 tỷ người buộc phải sử dụng năng lượng từ củi, rơm, phân bón…

Điều đáng lo ngại nhất là lò phản ứng hạt nhân ngày càng nhiều, nhưng vẫn chưa có nơi nào thực sự an toàn để chứa lượng chất thải khổng lồ có độ phóng xạ cao. Mặt khác, lò phản ứng năng lượng hạt nhân đang trở thành mục tiêu của các phần tử khủng bố.

 X.L
Theo Spiegel

MỚI - NÓNG