Tuyên bố trên được ông Ri Yong-ho đưa ra tại cuộc gặp Chủ tịch Nghị viện Iran Ali Larijani trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày tới nước cộng hòa Hồi giáo này. Ông Ri Yong-ho cho hay: "Do chúng tôi biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ chính sách thù địch đối với chúng tôi nên chúng tôi sẽ cất giữ các kiến thức hạt nhân của mình." Thật khó để thỏa thuận với Mỹ. Để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Mỹ cần phải thực hiện tốt lời hứa của mình, nhưng nước này đã từ chối làm như vậy", ông nói thêm. Lời tuyên bố của ông Ri Yong-ho được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về sự đình trệ tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn như cam kết giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua.
Đại diện các nước Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây nhóm họp để thảo luận chi tiết kế hoạch xây dựng những trung tâm kiểm soát ở châu Âu, nơi tiếp nhận những người di cư trái phép, qua đó hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối. Giải pháp này là một phần thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao EU cuối tháng 6 vừa qua nhằm tháo gỡ vấn đề gây căng thẳng giữa các nước thành viên EU liên quan việc tiếp nhận người di cư trái phép được các tàu cứu hộ trên biển. Những trung tâm này sẽ được đặt tại các nước thành viên tự nguyện và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế. Những người di cư đủ điều kiện sẽ được hưởng sự bảo trợ quốc tế và được phân bổ vào các quốc gia khác của châu Âu.
Ngày 10-8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt mới do Mỹ áp đặt với Nga dự kiến bắt đầu vào ngày 22-8 có thể được coi là tuyên bố chiến tranh kinh tế. Vòng đầu tiên của các biện pháp trừng phạt mới, dự kiến có hiệu lực ngày 22-8, sẽ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu công nghệ vào Nga. Trừ khi Nga đồng ý trong vòng 90 ngày ngừng sử dụng vũ khí hóa học và cho phép kiểm tra để xác nhận việc loại bỏ. Nếu không, Mỹ sẽ có bước cấm vận bổ sung bao gồm rút tiền hỗ trợ của Mỹ trong các khoản vay quốc tế với Nga và các khoản vay thông qua ngân hàng của Mỹ, cấm các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot và hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Chính phủ của Colombia cho biết, họ đã công nhận Palestine là một quốc gia tự do, độc lập, có chủ quyền. Đại sứ quán Israel ở thủ đô Bogota, Colombia cho biết rất thất vọng về quyết định này, trong khi đó đại diện Palestine khẳng định, quyết định này của Chính phủ Colombia sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông. Hiện Tòa án hình sự quốc tế và 136 quốc gia đã công nhận Palestine như một quốc gia độc lập.
Philippines có kế hoạch ký thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc ở vùng biển của nước này trên biển Đông trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm nay. Trong cuộc họp báo ngày 9-8, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho hay: "Hiện chưa có thời gian cụ thể nhưng vì chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập, việc ký kết sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ đây đến đó". Tổng thống Duterte sẽ không nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ và đó là quan điểm không thể thay đổi.
Quân cảnh Nga sẽ thiết lập 8 tiền đồn gần khu phi quân sự tại Cao nguyên Golan trên biên giới Syria-Israel, Phó chỉ huy các lực lượng Nga tại Syria phụ trách quân cảnh, Viktor Zaytsev, cho biết. Theo ông Zaytsev, tiền đồn giám sát thường trực đầu tiên của quân cảnh Nga đã được thiết lập. “7 tiền đồn nữa sẽ được tạo nên trong tương lai, nhằm đảm bảo an ninh cho người dân tỉnh Quneitra”, ông Zaytsev nói.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 10-8 đã kêu gọi mở cuộc điều tra “toàn diện và minh bạch” vụ dùng thiết bị bay không người lái ám sát hụt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 4-8. heo AP, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, hy vọng rằng cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về vụ tấn công sẽ tìm ra sự thật và bảo vệ nhân quyền. EU nhắc lại sự ủng hộ của khối với một giải pháp hòa hợp, dân chủ và hòa bình liên quan đến các căng thẳng tại Venezuela. Tổng thống Maduro cáo buộc phe đối lập và Colombia đứng đằng sau vụ này.