THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên bị cấm tham dự Olympic mùa đông 2022 ở Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
Triều Tiên sẽ bị tước quyền tham dự Olympic mùa đông 2022. Ảnh: New York Times.
Triều Tiên sẽ bị tước quyền tham dự Olympic mùa đông 2022. Ảnh: New York Times.
TPO - Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quyết định cấm Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông 2022 do đơn phương rút khỏi Olympic Tokyo năm nay, theo Guardian.

Theo quyết định của IOC, Ủy ban Olympic Triều Tiên sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên đến hết năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên mất quyền tham gia Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết đây là động thái trừng phạt với việc Triều Tiên rút lui khỏi Olympic Tokyo do lo ngại về dịch Covid-19. Theo IOC, tổ chức này đã trao đổi và đề xuất nhiều giải pháp, bao gồm cung cấp vaccine cho các vận động viên. Tuy vậy, Ủy ban Olympic Triều Tiên “từ chối một cách có hệ thống” những lời đề nghị này.

Ngày 8/9, Taliban ra thông báo cấm tổ chức mọi hoạt động biểu tình ở thủ đô Kabul và các tỉnh khác ở Afghanistan mà không được chính quyền mới của nước này cho phép. Theo thông báo của Taliban, không ai được xuống đường biểu tình mà không được phép của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ nước này. Những người tham gia hoạt động biểu tình không phép sẽ phải "gánh chịu hậu quả". Chính quyền Taliban ở Afghanistan đưa ra tuyên bố trên đưa ra một ngày sau khi các lực lượng của Taliban đã phải nổ súng chỉ thiên để giải tán hàng chục người đang biểu tình ở Kabul phản đối sự can dự của Pakistan vào các vấn đề của Afghanistan.

Ngày 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong năm nay, nước này sẽ viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển. Theo Tân Hoa xã, cam kết trên được Chủ tịch Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới ( BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) theo hình thức trực tuyến. Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine (cả ở dạng liều đóng gói hoàn thiện hoặc theo khối lượng lớn) cho trên 100 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Truyền thông Mỹ ngày 8/9 đưa tin dầu bị rò rỉ từ đường ống dẫn ở ngoài khơi bang Louisiana, miền Nam nước này, đã lan trên diện rộng sau khi cơn bão mạnh Ida đổ bộ vào bang này hồi cuối tháng trước. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển của Mỹ, vệt dầu loang kéo dài khoảng 17,7 km nên không thể tiến hành hoạt động thu hồi lại dầu.

Nhà trách Philippines ngày 9/9 cho biết đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và 17 người mất tích sau khi cơn bão nhiệt đới Conson gây mưa lớn và lũ lụt tại nước này. Theo Hội đồng giảm thiểu rủi ro và quản lý thiên tai quốc gia Philippines, bão Conson trước khi suy yếu đã đổ bộ vào tỉnh miền Trung Đông Samar ngày 6/9, khiến khoảng 10.000 người dân tại đây phải sơ tán. Tại tỉnh Masbate, bão làm 2 người thiệt mạng, song nhà chức trách Philippines chưa xác nhận những trường hợp tử vong này. Đã có ít nhất 17 người, chủ yếu là ngư dân được xác nhận là mất tích. Tại vùng thủ đô Manila và 5 khu vực khác của Philippines, bão Conson đã ảnh hưởng đến gần 84.000 người.

Lễ nhậm chức của chính phủ Afghanistan mới dự kiến diễn ra vào ngày 11/9 tới và lời mời tham dự cũng đã được gửi tới một số quốc gia. Được biết, ngày 8/9, tân Phó Thủ tướng Afghanistan Mullah Abdul Ghani Baradar đã tới Qatar để mời phái đoàn một số các quốc gia khác. Trước đó, Taliban đã công bố thành phần nội các trong chính phủ Afghanistan. Chính quyền mới do Taliban thành lập không có phụ nữ và không có người nào thuộc các tổ chức chính trị khác.

SCMP đưa tin, quân đội Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông bằng cách thực hiện diễn tập nâng cao khả năng chiếm đảo. Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, khu vực ở phía tây bán đảo Lôi Châu cấm tàu thuyền qua lại trong 2 ngày 9-10/9 vì “các cuộc tập trận bắn đạn thật”. Hôm 8/9, truyền thông Trung Quốc đưa tin, lực lượng hải quân thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu phương Nam của quân đội nước này tiến hành cuộc tập trận đổ bộ ở Biển Đông.

Ngày 9/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết cộng đồng quốc tế đang theo dõi tình hình ở Afghanistan để xem liệu mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda có tìm cách quay lại khu vực khi Mỹ đã rút quân hay không. Phát biểu khi kết thúc chuyến công du bốn ngày tới Vịnh Persic, Bộ trưởng Austin cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẵn sàng ngăn chặn tổ chức này bành trướng và tái lập lực lượng tại Afghanistan, từ đó đe dọa nước Mỹ. Ông cho rằng mạng lưới al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ luôn tìm địa bàn để hoạt động, dù ở Somalia hay ở bất kỳ đâu.

Ngày 9/9, CNN đưa tin một máy bay của hãng hàng không Qatar Airways với 200 người đã cất cánh từ sân bay Kabul, là chuyến bay đầu tiên chở người nước ngoài rời khỏi Afghanistan kể từ sau khi Mỹ hoàn tất chiến dịch di tản vào ngày 30/8 vừa qua. Trước đó, một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết giới lãnh đạo Taliban đã đồng ý để 200 công dân Mỹ và các công dân nước thứ 3 rời khỏi nước này trên các chuyến bay thuê bao từ sân bay Kabul. Đây là những người vẫn còn ở lại Afghanistan sau khi Mỹ kết thúc hoạt động sơ tán. Chuyến bay khởi hành trong ngày 9/9 với điểm đến là Doha (Qatar).

Ngày 9/9, các công tố viên Đức tiến hành lục soát hai bộ tài chính và tư pháp để phục vụ cuộc điều tra cơ quan chống rửa tiền của chính phủ, nhằm làm sáng tỏ sự thất bại của Đức trong xử lý tội phạm tài chính. Cuộc điều tra nhằm vào Đơn vị tình báo tài chính (FIU), một cơ quan thuộc Bộ Tài Chính mà người đứng đầu là ứng viên thủ tướng của đảng Dân chủ xã hội Olaf Scholz. Các công tố viên muốn làm rõ xem liệu đơn vị này có phải đã phớt lờ cảnh báo từ nhiều ngân hàng về các khoản chuyển tiền đáng ngờ sang châu Phi hay không.

MỚI - NÓNG