Bà Deborah Lyons, đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Afghanistan, kêu gọi thế giới ít nhất hãy trao cơ hội cho Taliban khi lực lượng này chuyển sang vai trò quản trị và phải đối diện với tình hình kinh tế khó khăn.
“Cần tìm ra thoả thuận một cách nhanh chóng, để cho phép tiền chảy vào Afghanistan nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế và trật tự xã hội”, bà Lyons nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
Nếu không, kết quả sẽ là “sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến nhiều triệu người nước này rơi vào cảnh đói nghèo, tạo ra một làn sóng người tị nạn khổng lồ từ Afghanistan và kéo quốc gia này tụt lùi nhiều thế hệ”, bà nói.
Đặc phái viên cũng cảnh báo rằng chính quyền Afghanistan mới không thể trả lương và nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra, như đồng tiền mất giá, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh, thiếu tiền trong các ngân hàng thương mại.
Những nhà tài trợ nước ngoài như Mỹ cung cấp hơn 75% chi tiêu công cho chính phủ thân phương Tây của Afghanistan trong 20 năm qua. Nguồn tiền này biến mất sau khi Mỹ rút quân.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nói về chuyện viện trợ nhân đạo, nhưng tuyên bố bất kỳ hỗ trợ kinh tế trực tiếp nào, như giải phóng khoản tiền 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan, sẽ phụ thuộc vào hành động của Taliban, bao gồm vấn đề có cho phép người dân rời đi hay không.
Trung Quốc đã nhanh chóng thông báo viện trợ cho Taliban, đồng thời cáo buộc những hành động của Mỹ chỉ khiến tình cảnh của người dân Afghanistan tồi tệ hơn.
“Những tài sản đó thuộc về Afghanistan và cần được dùng cho Afghanistan, không phải để làm công cụ mặc cả”, phó trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng nói.
Bà Lyons, vốn là cựu đại sứ Canada tại Afghanistan, nói rằng cần bảo đảm số tiền này được sử dụng vào việc cần thiết chứ không sai mục đích.
Cơ quan Phát triển LHQ cho biết Afghanistan đang là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với 72% người dân sống với mức 1USD mỗi ngày.
Tỷ lệ đó có thể tăng lên 97% vào giữa năm 2022 khi nguồn tiền từ bên ngoài cạn kiệt và đại dịch COVID-19 xảy ra nghiêm trọng.
Đầu tuần này, LHQ lên kế hoạch tổ chức một hội nghị về viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, dù không có sự tham gia của chính phủ Taliban vì chưa quốc gia nào công nhận lực lượng này.
Ngày 7/9, Taliban ra mắt chính phủ lâm thời, trong đó không có người nào là phụ nữ và nhiều bộ trưởng nằm trong danh sách theo dõi của LHQ vì cáo buộc khủng bố.
Bà Lyons nói rằng có “những cáo buộc đáng tin cậy” rằng Taliban đã giết hại trả đũa lực lượng an ninh, dù đã hứa sẽ ân xá.
Malala Yousafzai, người bị lực lượng thân Taliban ở Pakistan bắn vào đầu khi mới 15 tuổi vì ủng hộ quyền đi học của các bé gái, cho biết cô nghe thấy nhiều trường hợp các bé gái và nữ giáo viên Afghanistan bị yêu cầu ở nhà.
Yousafzai thúc giục quốc tế gây sức ép với Taliban, vì lực lượng này khi cầm quyền từ năm 1996-2001 đã hạn chế nghiêm trọng quyền của phụ nữ và cấm các bé gái đi học.