Gần 20 năm đã trôi qua nhưng đối với nhiều người sống sót, nỗi đau và chấn thương vẫn còn đó. Một số bị thương tật trên cơ thể ở mức cực kỳ nghiêm trọng khiến cuộc sống của họ thay đổi vĩnh viễn, trong khi nhiều người vẫn phải vật lộn với những chấn thương tinh thần.
Bà Lauren Manning bị bỏng hơn 80% diện tích cơ thể. “Theo bất kỳ tiêu chuẩn y tế nào, tôi lẽ ra chết rồi”, bà nói với Sky News. Lauren vừa bước vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới thì chiếc máy bay bị không tặc đầu tiên đâm vào tòa nhà, tạo ra quả cầu lửa lao xuống trục thang máy và vào sảnh đợi.
“Có một âm thanh chói tai cực lớn và ngay lập tức tôi chìm trong biển lửa. Đau đớn khôn xiết, càng lúc càng ngấm sâu vào trong. Tôi bị thiêu sống. Không còn từ nào khác để diễn tả”, bà kể. Lauren chạy ra ngoài, băng qua đường, lăn trên thảm cỏ và một người đàn ông cố gắng giúp đỡ bà. “Tôi không gục ngã và chết trong biển lửa. Tôi vật lộn chống lại. Tôi hét lên với ông ấy: Đưa tôi ra khỏi đây!”, bà kể.
Nằm im vì bỏng nặng, Lauren kinh hãi nhìn chiếc máy bay thứ hai đâm vào Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Bà nhìn thấy nhiều người rơi khỏi tòa nhà chọc trời, biết rằng các đồng nghiệp trong công ty tài chính Cantor Fitzgerald đang mắc kẹt trong các tầng trên cao.
Tất cả 658 nhân viên công ty có mặt trong văn phòng công ty ngày định mệnh đó đều thiệt mạng. Trên mặt đất, Lauren (từng thoát chết trong vụ Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom năm 1993) cố gắng tìm xe cứu thương, nhưng cơ hội sống sót rất mong manh. “Các vết bỏng rất kinh khủng. Bỏng 82,5%, hầu hết bỏng độ 3. Hơn 20% bỏng độ 4 hoặc 5. Có nghĩa là mất cơ hoặc xương, phải cắt bỏ các ngón tay ở cả hai bàn tay”, bà kể.
“Người đàn ông rơi” trở thành một trong những bức ảnh biểu tượng về sự kiện 11/9. Ảnh: AP |
“Tôi sợ con không nhận ra mẹ”
Lauren được đưa tới bệnh viện, cuối cùng được đặt trong tình trạng hôn mê trước khi được chuyển tới trung tâm chuyên khoa bỏng. Trong ba tháng khi bà hôn mê, ông Greg, chồng bà, đọc thơ Robert Burns và chơi những bản nhạc hồi hẹn hò hai người hay nghe. “Có lẽ điều đó tác động đến tôi, biết rằng tôi được yêu thương. Bố mẹ tôi lái xe trong nhiều giờ để tới viện, nghĩ rằng tôi không qua khỏi và ở lại bên tôi mỗi ngày”, bà kể.
Vài ngày sau khi Lauren tỉnh lại, con trai Tyler (lúc đó 1 tuổi) đến thăm bà lần đầu tiên kể từ vụ tấn công khủng bố. “Tôi rất lo sợ rằng, con sẽ không nhận ra mẹ… Ban đầu, nó không nhận ra tôi thật, nhưng nó tiến gần tôi và nhận ra, có lẽ qua mắt và giọng nói. Đó là tất cả những gì tôi cần”, bà tâm sự.
Lauren ở viện thêm hơn 6 tháng nữa, nhưng quá trình hồi phục của bà (gồm vài ca phẫu thuật) kéo dài gần 10 năm. “Bỏng có lẽ là hình thức tra tấn con người dã man nhất. Nó kéo dài rất, rất nhiều năm”, bà nói.
Lauren sinh con trai thứ hai Jagger vào năm 2009. Đến giờ bà vẫn lưu trong điện thoại của mình số liên hệ của nhiều đồng nghiệp thiệt mạng ngày 11/9/2001. “Ý niệm về những vụ giết người, khủng bố và cái chết chẳng bao giờ rời xa”, bà nói.
“Bụi dày đặc đến mức nhai được”
Lynn Tierney đến Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi cả hai máy bay đâm vào Tháp Đôi. Theo kế hoạch, nữ phó giám đốc Sở Cứu hỏa thành phố New York lên tầng 68 của Tháp Bắc sáng 11/9/2001 để dự một buổi phỏng vấn xin việc.
“Bên ngoài, cảnh tượng thật kinh hoàng. Cả hai tòa tháp đang bốc cháy, lửa bao trùm những tầng phía trên. Nhưng ngoài lửa đỏ, điều tồi tệ nhất ở đó là người ta nhảy xuống (từ tòa tháp). Tôi nhìn thấy một cặp đôi nắm tay nhau cùng nhảy. Thật không thể tin nổi… Tôi không thể tưởng tượng được sự lựa chọn mà họ phải đối mặt. Tôi chỉ nghĩ về gia đình họ. Thật kinh hoàng”, bà Lynn kể.
Lynn tới hiện trường cùng 12 lính cứu hỏa thuộc 2 đơn vị khác nhau và tất cả sau đó thiệt mạng trong khi cứu người. Lynn bước vào sảnh đợi của Tháp Bắc thông qua cửa sổ sau khi xăng máy bay cháy nổ thổi tung kính cửa sổ. Nhưng vào thời điểm đó, vị lãnh đạo Sở Cứu hỏa quyết định rằng, họ sẽ không dập lửa. “Nhiệm vụ chỉ là cứu người, cố gắng đi lên cao và đưa được càng nhiều người ra ngoài càng tốt”, bà kể. Bà đang giúp điều phối nỗ lực cứu hộ từ phía bắc của Tháp Bắc thì Tháp Nam bỗng nhiên đổ sụp.
Lynn chạy trối chết và nhảy vào một khu xếp dỡ hàng cách đó hơn 70 mét. “Bụi dày đặc đến nỗi gần như có thể nhai được… Tôi rất khó thở và mọi người cũng vậy”, bà kể.
Sau khi Lynn vào được khu xếp dỡ hàng hóa, một thanh tra cảnh sát dùng thân hình của ông che chắn cho bà. “Đó là thời khắc duy nhất tôi nghĩ mình sắp chết. Tôi chỉ nghĩ: Chúa ơi, xin để mọi việc qua nhanh. Tôi không muốn ở đây giống thợ mỏ mắc kẹt trong 18 ngày rồi bị nghiền nát”, bà nói.
Khi Lynn đến được nơi an toàn, ở trong tòa thị chính New York, cũng là lúc tòa tháp thứ hai sụp đổ, chỉ cách hai dãy nhà. Lực của vụ sụp đổ làm bật tung cửa ra vào của tòa thị chính, khói bụi tràn vào tòa nhà, bà nấp ở cầu thang bộ.
Hôm đó, 343 lính cứu hỏa thiệt mạng và Lynn viết khoảng 100 điếu văn cho các nạn nhân. Chỉ trong một ngày, 23 lễ tang diễn ra.