THẾ GIỚI 24H: Tiêm kích Nga chặn UAV Mỹ ở Syria?

THẾ GIỚI 24H: Tiêm kích Nga chặn UAV Mỹ ở Syria?
TPO - Kể từ khi bắt đầu các hoạt động quân sự tại Syria, các máy bay tiêm kích Nga ít nhất đã 3 lần chặn máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.

Kênh truyền hình Fox News dẫn lời hai quan chức tình báo Mỹ phụ trách tại khu vực Trung Đông tiết lộ: "Khi điều này lần đầu tiên xảy ra, chúng tôi nghĩ Nga gặp may. Nhưng sau đó là 2 lần nữa".

Cả hai nguồn tin trên cho biết các sự cố xảy ra trên vùng trời do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát, trong đó có tỉnh Raqqa, vốn được xem như thành trì của IS, cũng như trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, gần thị trấn Korba.

Một trường hợp xảy ra ở Tây Bắc Syria, gần Aleppo. Máy bay tiêm kích của Không quân Nga không tìm cách bắn hạ máy bay do thám Mỹ, song bay đủ gần để có thể khiến đối phương phát hiện thấy.


Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố việc Washington từ chối chia sẻ với Moscow thông tin tình báo về các cứ điểm của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho thấy Mỹ đang kiếm cớ để thoái thác nhiệm vụ chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố.

Thiếu tướng Igor Konashenkov nói: "Các đối tác của chúng tôi từ các nước khác - những người coi IS là kẻ thù thực sự và phải bị tiêu diệt - đã tích cực giúp chúng tôi bằng những dữ liệu về căn cứ, nhà kho, điểm chỉ huy và trại huấn luyện khủng bố. Tuy nhiên, những người dường như có quan điểm khác về tổ chức khủng bố này liên tục kiếm cớ từ chối hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/10, đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran và Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ Syria.

Bộ Quốc phòng nước này cho biết đã sẵn sàng thống nhất về văn kiện các liên lạc với Lầu Năm Góc trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố ở Syria.


Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq ngày 7/10 cho biết, Baghdad có thể sẽ sớm đề nghị Nga triển khai không kích các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ quốc gia Vùng Vịnh này.

Đồng thời Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq cũng bày tỏ mong muốn Moscow đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lực lượng cực đoan nói trên.


Ngày 7/10, lực lượng an ninh Iraq đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực phía Bắc và Tây thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, từ tay nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Đây là một phần trong chiến dịch nhằm giải phóng Ramadi bị IS chiếm hồi tháng 5 vừa qua. Chiến dịch được phát động sáng cùng ngày có sự tham gia của 2.000 binh sĩ với sự yểm trợ từ các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu. 


Cơ quan báo chí thuộc Hạm đội 6 (Mỹ) cho biết tàu khu trục tên lửa Porter của hạm đội này đã đi vào Biển Đen. Mục tiêu chính thức của thủy thủ đoàn tàu Porter là tham gia hoạt động "Quyết tâm Đại Tây Dương", được Washington trù định là động thái ủng hộ cho quan ngại của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước những hành động của Nga trong cuộc xung đột Ukraine.

Tuyên bố của Hạm đội 6 cho biết: "Mỹ tiếp tục thể hiện xu hướng đảm bảo an ninh tập thể của các đồng minh NATO và hỗ trợ các đối tác ở châu Âu."


Hãng thông tấn IRNA đưa tin lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei ngày 7/10 cảnh báo các quan chức nước này không được đàm phán với Mỹ về các vấn đề song phương và quốc tế. Tuyên bố được đưa ra 3 tháng sau khi Iran ký thỏa thuận hạt nhân với phương Tây sau nhiều năm đàm phán.

Ông Khamenei cho rằng Mỹ luôn tìm cách "áp đặt" các ý muốn của Washington đối với Iran, và đàm phán với Mỹ đồng nghĩa với việc mở cửa cho ảnh hưởng của nước này về kinh tế, văn hóa, chính trị và an ninh đối với Iran.


Ngày 7/10, Triều Tiên đã hối thúc Mỹ ký một hiệp ước hòa bình, thay cho thỏa thuận đình chiến năm 1953, nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tái khẳng định lập trường của Bình Nhưỡng về việc thay thế thỏa thuận đình chiến hiện tại được ký kết sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, bằng một hiệp ước hòa bình nhằm tháo ngòi tình trạng căng thẳng và kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 


Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét đơn xin tị nạn trong nửa đầu năm nay của người di cư và khối này đang chuẩn bị trục xuất hơn 400.000 người bị từ chối cấp quy chế tị nạn. Dự kiến, EU sẽ tạm giữ hàng nghìn người di cư để họ không thể trốn tránh trục xuất. Quyết định này cũng có khả năng liên quan tới người đến từ Afghanistan, Libya và Syria.


Giá dầu kỳ hạn tiếp tục đà tăng trong phiên giao dịch ngày 7/10 tại châu Á, sau khi kết thúc một tháng giao dịch ở mức dưới 50 USD/thùng phiên trước nhờ dự báo cho thấy sự dồi dào về nguồn cung có thể giảm bớt. Sau khi vượt mức 50 USD/thùng lần đầu tiên trong một tháng trong phiên trước, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ lên 52,67 USD/thùng vào lúc 0619 GMT. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 1,04 USD/thùng lên 49,57 USD/thùng.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.