60 phút dội bom xuống bệnh viện và sự bất nhất của tướng Mỹ

Các bác sĩ thuộc tổ chức Bác sĩ không Biên giới chữa trị cho các nạn nhân sau vụ không kích hôm 3/10. Ảnh: AFP
Các bác sĩ thuộc tổ chức Bác sĩ không Biên giới chữa trị cho các nạn nhân sau vụ không kích hôm 3/10. Ảnh: AFP
Sau mỗi lần nhả đạn, cường kích AC-130 của Mỹ lại lượn quanh mục tiêu quan sát rồi liên tục lặp lại chuỗi hành động này, khiến một bệnh viện ở Afghanistan biến thành đống hoang tàn trong hơn 60 phút.

Một máy bay vũ trang hạng nặng được thiết kế để cung cấp hỗ trợ cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ hôm 3/10 đã tấn công vào bệnh viện của Tổ chức Bác sĩ không Biên giới (MSF) ở thành phố Kunduz, Afghanistan, khiến 22 người thiệt mạng, Washington Post dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc xác nhận.

Vào khoảng 2h8, loạt đạn đầu tiên được khai hỏa. Theo báo cáo của MSF, khu nhà chính chuyên chăm sóc bệnh nhân nặng của bệnh viện, phòng cấp cứu và phòng vật lý trị liệu bị ngắm bắn chính xác, trong khi những khu vực xung quanh không hề hấn gì. Sau mỗi lần nhả đạn, chiếc phi cơ bay vòng quanh quan sát rồi lại tiếp tục bắn phá. Hành động này lặp đi lặp lại suốt hơn một tiếng.

Thông tin bất nhất

Nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ ở Afghanistan cho biết cuộc không kích được thực hiện theo đề nghị của quân đội nước sở tại. Điều này trái ngược với thông tin đưa ra trước đó của Bộ Quốc phòng nói rằng Washington ra lệnh tấn công để bảo vệ các lực lượng của Mỹ trên mặt đất.

"Thực tế là chính Mỹ đã ném những quả bom đó", ông Christopher Stokes, giám đốc điều hành MSF, nói. "Vì sự thiếu nhất quán trong những tuyên bố mà Mỹ và Afghanistan đưa ra nên yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập minh bạch càng trở nên cấp thiết hơn", ông nhấn mạnh.

Ba ngày sau vụ việc, nhà chức trách Mỹ đang phải rất vất vả để tìm cách giải thích vì sao máy bay của họ lại có thể ngắm bắn một bệnh viện.

Tướng John Campbell, chỉ huy lực lượng quốc tế tại Afghanistan, hôm 5/10 cho hay chính các binh sĩ Afghanistan "thông báo họ bị bắn phá từ các cứ điểm của quân địch và yêu cầu Mỹ hỗ trợ trên không".

Thông tin của ông Campbell hoàn toàn khác với hai bình luận đưa ra từ trước, trong đó có một bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rằng các binh sĩ Mỹ mới là phe bị tấn công.

Chuyên gia đánh giá, cuộc không kích cuối tuần qua một lần nữa làm gia tăng những mối nghi ngờ về tính hiệu quả trong việc phối hợp tác chiến giữa lính Mỹ và quân bộ binh Afghanistan nhằm chống lại phe nổi dậy Taliban.

Sơ hở tác chiến

Sau khi Kunduz bị Taliban chiếm đóng hồi tháng trước, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hợp quân cùng các binh sĩ Afghanistan để từng bước giành lại những vùng lãnh thổ đánh mất.

Nhưng nhiệm vụ chính của lực lượng này là "huấn luyện, hỗ trợ và cố vấn", không phải trực tiếp tham chiến. Trong các tình huống giao tranh, thay vì đáp trả bằng hỏa lực, binh sĩ Mỹ thường chỉ tham gia vào các hoạt động bên lề như điều phối liên lạc, sơ tán nạn nhân hay sử dụng máy bay AC-130 để hỗ trợ từ trên không trong một số hoàn cảnh cụ thể.

Theo ông Campbell, cường kích AC-130 cũng chính là chiếc máy bay thực hiện vụ tấn công bệnh viện cuối tuần trước. Không giống phi cơ phản lực, AC-130 là mẫu máy bay đặc biệt, dành riêng để hỗ trợ hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan.

60 phút dội bom xuống bệnh viện và sự bất nhất của tướng Mỹ ảnh 1

Cường kích AC-130 của quân đội Mỹ. Ảnh: FAS

Nhằm đảm bảo việc xác định mục tiêu và kết nối mặt đất luôn chính xác, không bị gián đoạn, mỗi phi cơ AC-130 đều bay với một sĩ quan liên lạc từng là lính bộ binh.

Nếu như hầu hết các chiến đấu cơ phản lực khác đều bay với tốc độ cao rồi thả bom hay nã pháo thì AC-130 lại thường lượn xung quanh, phía bên trên mục tiêu khoảng 2.000 m. Nó sau đó bay theo hình vòng tròn và dùng vũ khí gắn ở mạn trái bắn trực tiếp vào đối tượng.

Cơ chế tác chiến của AC-130 cũng rất khác biệt so với các dòng phi cơ cánh cố định thông thường. Trong khi các máy bay phản lực đòi hỏi một bản đồ tọa độ để xác định mục tiêu thì AC-130 khai hỏa chủ yếu dựa vào thông tin từ đơn vị mặt đất và quan sát của phi công.

Chính đặc điểm này giải thích lý do vì sao bệnh viện của MSF vẫn bị tấn công mặc dù họ khẳng định từng gửi bản đồ tọa độ cho cả quân đội Mỹ và Afghanistan.

"Đây là loại máy bay được điều khiển bằng mắt", một phi công Mỹ giấu tên nói. "AC-130 sẽ xác định vị trí của quân đồng minh trên mặt đất sau đó khai hỏa về phía cánh trái hoặc cánh phải của họ".

Ông cũng thêm rằng khi tác chiến, AC-130 không tiến vào không phận của đối phương hay thực hiện việc tìm kiếm mục tiêu. Thông tin này sẽ được một đội trên mặt đất truyền đi. Máy bay chỉ khai hỏa sau khi xác định được phe ta và phe địch. Vì có kích thước lớn và hoạt động ở độ cao tương đối thấp nên AC-130 thường chỉ đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ ban đêm.

Ngoài ra, theo Daily Beast, chính những nguyên tắc lỏng lẻo của quân đội Mỹ cũng góp phần khiến thảm kịch xảy ra. Được trang bị hàng loạt thiết bị cảm biến công nghệ cao và nổi tiếng với hệ thống vũ khí hiện đại, AC-130 đáng nhẽ phải là một máy bay chiến đấu có độ chính xác cực cao đồng thời an toàn đối với dân thường.

Tuy nhiên, vì muốn tận dụng tối đa ưu thế hỏa lực của AC-130 mà Lầu Năm Góc chỉ đưa ra rất ít yêu cầu trong việc xác minh khu vực mục tiêu trước khi cho phép tổ bay khai hỏa. Chính những quy định thiếu tính chặt chẽ này khiến chiếc cường kích AC-130 trở thành một mối nguy hiểm, bình luận viên David Axe nhận xét.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG