Mỹ hứng búa rìu sau vụ đánh bom nhầm bệnh viện Afghanistan

Khi cuộc không kích diễn ra, 105 bệnh nhân - gồm 59 trẻ em và người thân của họ - ở trong bệnh viện. Hơn 80 nhân viên quốc tế cũng có mặt tại hiện trường. Ảnh: AFP
Khi cuộc không kích diễn ra, 105 bệnh nhân - gồm 59 trẻ em và người thân của họ - ở trong bệnh viện. Hơn 80 nhân viên quốc tế cũng có mặt tại hiện trường. Ảnh: AFP
TP - Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) hôm qua yêu cầu điều tra toàn diện sau vụ đánh bom vào một bệnh viện ở Afghanistan có nhiều dấu hiệu do lực lượng Mỹ thực hiện, khiến 19 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ yêu cầu điều tra toàn diện.

MSF hôm qua cho biết, họ đã rút khỏi thành phố Kunduz, miền bắc Afghanistan, sau vụ đánh bom phá hủy bệnh viện, khiến 7 bệnh nhân và 12 nhân viên MSF thiệt mạng. 

Một nhân viên MSF kể rằng, vụ đánh bom xảy ra khi tất cả các bác sĩ và y tá trực hôm 3/10 đều tập trung tại tòa nhà chính để chữa trị cho bệnh nhân. Vụ không kích cũng phá hủy nhà thuốc bệnh viện, làm mất nguồn cung cấp thuốc chính của thành phố. Bệnh viện đã phải chuyển vài chục nạn nhân bị thương nặng đến các cơ sở y tế gần đó vì thiếu thuốc, dụng cụ để chữa trị.

Chủ tịch MSF Meinie Nicolai lên án vụ đánh bom là vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế. “Mọi dấu hiệu đến thời điểm này cho thấy vụ đánh bom là do lực lượng liên minh quốc tế thực hiện”, MSF tuyên bố. 

Phát ngôn viên của lực lượng Mỹ tại Afghanistan, đại tá Brian Tribus, hôm 3/10 nói rằng, lực lượng Mỹ đã thực hiện một đợt không kích xuống Kunduz nhằm vào “những phần tử đe dọa lực lượng”, và rằng cuộc không kích “có thể dẫn đến thiệt hại tài sản cho một cơ sở y tế gần đó”. Vào thời điểm đó, bệnh viện đang có 105 bệnh nhân, hơn 80 nhân viên quốc tế và địa phương. “Chúng tôi yêu cầu sự minh bạch hoàn toàn từ lực lượng liên minh. Chúng tôi không thể chấp nhận những thiệt hại tính mạng nghiêm trọng này bị coi là thiệt hại tài sản”, ông Nicolai tuyên bố.

Giới chức Afghanistan nói rằng, các trực trăng chiến đấu chỉ đáp trả các tay súng Taliban trốn trong bệnh viện này. Nhưng bà Kate Stegeman, cán bộ truyền thông của MSF, nói rằng, không có phần tử nổi dậy nào trong bệnh viện. Hãng tin AP đưa tin, đoạn video ghi lại hiện trường ở phía đông thành phố Kunduz cho thấy các loại vũ khí tự động, trong đó có nhiều súng trường và ít nhất một súng máy bên cửa sổ.

Ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, kêu gọi tiến hành điều tra đầy đủ và minh bạch, đồng thời cho rằng nếu đây đúng là hành động cố ý nhằm vào bệnh viện thì có thể cấu thành “tội ác chiến tranh”. Báo Anh Telegraph dẫn lời bà Patricia Gossman, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Quan sát Nhân quyền, cho rằng, sự thất bại của lực lượng Mỹ trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công nhằm vào bệnh viện có thể là sự vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Quân chính phủ Afghanistan chật vật chống lại Taliban từ khi Mỹ và NATO chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và chuyển sang giai đoạn chỉ hỗ trợ và huấn luyện kể từ cuối năm ngoái. Tuần trước, Kunduz rơi vào tay lực lượng Taliban, sau đó bị quân chính phủ phản công.

Từ khi bị lực lượng Mỹ đánh bại năm 2001, đây là lần đầu tiên Taliban chiếm được một thành phố lớn. Taliban chặn và gài bom nhiều con đường ngay sau khi chiếm được Kunduz nhằm ngăn người dân rời đi và chặn quân chính phủ, khiến thành phố bị cô lập. Mỹ đã thực hiện ít nhất 12 vụ không kích vào Kunduz trong tuần qua để hỗ trợ lực lượng chính phủ Afghanistan đẩy lùi các tay súng Taliban. Hơn 70 người thiệt mạng và 500 người bị thương kể từ khi đợt đấu súng nổ ra.

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng Mỹ bị tố tấn công vào mục tiêu dân sự. Giới chức Afghanistan cho biết, ít nhất hai đợt không kích của Mỹ trong tháng 7 và tháng 9 vừa qua đã vô tình giết chết hàng chục thường dân Afghanistan, Telegraph đưa tin. Trong cả hai vụ này, quân đội Mỹ xác nhận họ đã tấn công vào các khu vực đó, nhưng không công bố chi tiết điều tra sau đó.

MỚI - NÓNG
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
TPO - Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 6/2024 trên địa bàn thành phố đã phát hiện 10.494 công trình vi phạm trật tự xây dựng.