Theo Russia Insider, hiện các lực lượng của Nga tham chiến ở Syria bao gồm các loại máy bay chiến đấu, trong đó có cả trực thăng; một tiểu đoàn bộ binh; sở chỉ huy chiến dịch và các lực lượng tình báo, trinh sát khác.
Các báo cáo và hình ảnh vệ tinh mới đây từ Bộ Quốc phòng Nga cho thấy sự tham gia của lực lượng chiến đấu cơ Nga trong các chiến dịch không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Có khoảng 50 máy bay chiến đấu của Nga hiện diện ở Syria, trong đó có cả trực thăng. Tất cả đều hoạt động từ căn cứ không quân mới được mở rộng ở Latakia, Syria.
Hiện vẫn chưa rõ các trực thăng có mặt ở Syria thuộc loại nào, tuy nhiên có khả năng đây là những trực thăng vận tải hỗ trợ máy bay “cánh cố định” chứ không phải là trực thăng chiến đấu.
Lực lượng cường kích SU-24 và SU-25
Hiện những máy bay thực sự tham gia không kích là các loại chiến đấu cơ siêu thanh hạng nặng SU-24 và cường kích SU-25. Cả hai loại máy bay này đều được phát triển những năm 1960 và đưa vào biên chế những năm 1970.
Những thông tin cho rằng các loại máy bay này “đã lạc hậu” là hoàn toàn không chính xác. Cả hai loại chiến đấu cơ này đã và đang được nâng cấp thường xuyên, là những cỗ máy “khủng khiếp", hoàn toàn đáp ứng được vai trò tác chiến theo yêu cầu.
Do SU-24 và SU-25 có nhiệm vụ là không kích, tấn công mặt đất (mang và thả bom) nên không yêu cầu “quá cao về khả năng cơ động và kỹ thuật điện tử” như những chiến đấu cơ tối tân nhất hiện nay.
Những chiến đấu cơ của phương Tây mà hai loại máy bay chiến đấu này của Nga “giống nhất” đó là Panavia Tornado của châu Âu (giống SU-24) và cường kích A10 Thunderbolt của Mỹ (giống SU-25). Đây cũng là hai dòng máy bay chiến đấu được sản xuất và đưa vào tác chiến những năm 1970. SU-24, SU-25 của Nga “hoàn toàn có thể so sánh về mặt kỹ thuật và công nghệ” với hai dòng này của phương Tây. Ngoài ra, Nga sở hữu nhiều kho vũ khí điều khiển chính xác lớn và ít nhất có thể so sánh được về tính hiệu quả với các vũ khí tương tự của phương Tây.
Theo giới phân tích, SU-24 và SU-25 “hoàn toàn phù hợp” với vai trò trong các chiến dịch ở Syria và không có lý do gì để cho rằng lực lượng không quân của Nga “kém năng lực hơn trong tiến hành các cuộc không kích chính xác” so với các lực lượng không quân của phương Tây ở chiến trường Syria.
Các chiến đấu cơ “siêu hiện đại” SU-30 và SU-34?
Loại chiến đấu cơ được xác định hiện diện ở căn cứ không quân Latakia, Syria là SU-30. Không giống như SU-24 và SU-25, SU-30 thuộc dòng “siêu chiến đấu cơ đa nhiệm” rất hiện đại.
SU-30 có đầy đủ khả năng để thực hiện các cuộc không kích các mục tiêu mặt đất, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng cho thấy chiến đấu cơ này “hành động” ở Syria, và với năng lực phòng không “yếu kém” của lực lượng IS ở Syria thì việc sử dụng chiến đấu cơ hiện đại như SU-30 trong vai trò không kích “có phần lãng phí”.
Gần như chắc chắn Nga không có ý định sử dụng SU-30 cho nhiệm vụ không kích ở Syria, thay vào đó sẽ được sử dụng để yểm trợ cho SU-24 và SU-25, và để ngăn chặn các lực lượng khác (Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ) can thiệp vào chiến dịch của Nga. Đây là lực lượng giúp Nga có thể răn đe hiệu quả, cảnh báo Mỹ và Israel không thực hiện các chuyến bay ở những khu vực của Syria trong lúc Nga tiến hành không kích.
Những nhận định tương tự được đặt ra đối với việc triển khai SU-34 tới Syria. Đây là loại máy bay cường kích rất hiện đại sử dụng đường băng như SU-30. Mặc dù đây là loại chiến đấu cơ có uy lực lớn, nhưng đối với kiểu chiến dịch mà Nga đang tiến hành ở Syria thì dường như việc triển khai SU-34 là “quá phức tạp và thừa thãi”, ít mang lại hiệu quả thực tế như so với thế hệ chiến đấu cơ cũ hơn là SU-24.
Nếu Nga thực sự đã triển khai SU-34 tới Syria thì đó không phải là do loại chiến đấu cơ này thực sự cần thiết ở chiến trường này, mà bởi vì đây là “cơ hội lý tưởng để thử nghiệm chúng”.
Chỉ cần vài tuần để Nga tiến hành mở rộng và nâng cấp sân bay Latakia thành một căn cứ không quân đầy đủ chức năng hoạt động và triển khai một lực lượng chiến đấu cơ hùng hậu tại căn cứ này. Thời gian giữa “lúc có quyết định hành động” cho tới “hành động được thực thi” là rất ngắn, trái ngược với thời gian nhiều tuần và hàng tháng mà Mỹ cần để thực hiện khối lượng hành động tương tự (chẳng hạn như các chiến dịch Mỹ chống Taliban ở Afghanistan năm 2001 hay chính quyền Saddam Hussein năm 1990 và 2003).
Ngay cả khi Nga nhận định rằng Nga có thể đã rút các phương tiện vũ khí được triển khai trước ở căn cứ Tartus để triển khai tới Latakia, thì đó cũng là “một kỳ tích rất ấn tượng” và phủ nhận ý kiến cho rằng Nga thiếu năng lực hậu cần để duy trì nhịp độ như hiện tại của các chiến dịch ở Syria trong thời gian dài.
Các lực lượng khác Nga triển khai cho nhiệm vụ ở Syria
Cùng với máy bay và biến chế lực lượng kèm theo, Nga còn triển khai một tiểu đoàn bộ binh bảo vệ căn cứ Latakia. Nga đã xác nhận đây là lực lượng lính dù được rút về từ lực lượng không quân của mình. Vai trò của lực lượng này chỉ là phòng vệ và Nga phủ nhận việc sử dụng lực lượng này cho nhiệm vụ tấn công.
Tuy nhiên lực lượng không kích của Nga sẽ được hỗ trợ đầy đủ về năng lực tình báo và trinh sát. Chi tiết về các lực lượng này là tối mật, tuy nhiên sẽ bao gồm các lực lượng vệ tinh, máy bay không người lái và các phương tiện tình báo điện tử khác, cũng như sử dụng điệp viên.
Một lực lượng khác của Nga được triển khai là Sở chỉ huy chiến dịch xử lý thông tin tình báo, sắp xếp và lên kế hoạch các cuộc không kích cũng như đánh giá tính hiệu quả của chúng. Lực lượng này có mạng lưới thông tin “tinh vi và phức tạp”, kết nối với quân đội Syria, các nguồn tình báo khác nhau, lực lượng không kích ở Latakia và Moscow.
Sở chỉ huy chiến dịch này có thể được đặt ở Baghdad, Iraq - cách xa khu vực chiến sự mà một Sở chỉ huy thường được triển khai. Các sĩ quan Syria, Iran và Iraq tham gia với vai trò liên lạc. Sở chỉ huy này tương tự như một “trung tâm thông tin chống khủng bố” ở Baghdad mà Nga đã công khai hoạt động.
Mục đích thực sự của Nga đằng sau các cuộc không kích?
Có những ý kiến cho rằng lực lượng không kích của Nga là quá nhỏ bé để tạo nên sự khác biệt ở Syria, và đây chỉ là “một lực lượng mang tính tượng trưng”.
Tuy nhiên, các quan điểm này dường như đã “hiểu nhầm” mục đích thực sự của Nga. Nếu Nga có ý định tiến hành chiến dịch không kích ở Syria tương tự như những gì Mỹ vẫn làm, tức là tìm kiếm chiến thằng bằng sức mạnh không quân, thì lực lượng mà Nga triển khai rõ ràng là “quá nhỏ bé”.
Nhưng rõ ràng người Nga chưa bao giờ tìm kiếm chiến thắng theo kiểu như vậy, nó hoàn toàn trái ngược với học thuyết quân sự của Nga, đó là dựa trên tư tưởng về sức mạnh vũ trang tổng hợp. Điều này cho thấy mục đích của lực lượng không kích của Nga ở Syria là nhằm cung cấp sự hỗ trợ đường không cho quân đội Syria và lực lượng Hezbollah – những lực lượng đang thực sự tham chiến trên thực địa.