Phát biểu tại Chile hôm 5/10, ông Kerry nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ việc này vì nếu Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng theo đúng quyền của nước này thì có thể đã xảy ra một vụ bắn hạ". Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên án hành vi xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ của Nga là "hết sức nguy hiểm," đồng thời yêu cầu Moscow ngừng tất cả các cuộc tấn công nhằm vào phe đối lập và dân thường Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định máy bay quân sự của nước này xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ do điều kiện thời tiết xấu, đồng thời cho biết đã áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự.
Nga đã lên tiếng phản đối việc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Trả lời hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết: "Tất nhiên, chúng tôi phản đối điều này... Cần phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia". Theo ông Bogdanov, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng thiết lập các mối liên lạc với nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) đối lập tại Syria. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga còn cho biết, Iraq chưa chính thức đề nghị Moscow tiến hành các cuộc không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ nước này. Động thái trên diễn ra giữa lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng Nga đang theo đuổi một "chiến lược thất bại" tại Syria.
Thủ tướng Anh David Cameron trong tuần này, sẽ gặp người đồng cấp Đức Angela Merkel để thảo luận thêm về cuộc khủng hoảng di cư vào Liên minh châu Âu (EU), cuộc chiến Syria cùng các cuộc đàm phán về quy chế thành viên EU của London. Cuộc gặp theo kế hoạch giữa thủ tướng hai nước diễn ra sau khi Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh Iain Duncan Smith nói rằng Đức bàng hoàng về khả năng Anh rời khỏi EU và đang phát hoảng trước làn sóng người di cư từ Trung Đông.
Đức đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng phát một "cuộc nổi dậy mới" sau khi nổ ra các vụ xung đột ở Jerusalem, 3 ngày trước khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến công du Berlin (Đức). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer nói: "Điều có thể đang chờ đợi chúng ta giống như một cuộc nổi dậy mới. Chắc chắn nó không có lợi cho ai cả, nó không phải điều mà bất kỳ ai ở Israel cũng như bất kỳ chính trị gia có trách nhiệm nào của Palestine mong muốn. Đó là lý do tại sao phải tìm kiếm biện pháp và cách thức nối đàm phán nhằm đạt được một giải pháp lâu dài."
Ngay sau khi các Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau nhiều năm đàm phán, nhiều nước đã hoan nghênh sự kiện mang tính đột phá đối với hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận mà các nước vừa đạt được phản ánh "những giá trị của Mỹ" và "đặt người lao động Mỹ lên tuyến đầu". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh và gọi thỏa thuận của Hiệp định TPP là một "thỏa thuận mang tầm vóc rộng lớn".
Ngày 5/10, Hàn Quốc và Triều Tiên đã trao đổi danh sách những người bị ly tán người thân trong Chiến tranh Triều Tiên sẽ tham gia đợt đoàn tụ sắp tới. Theo Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, các quan chức Hội Chữ Thập đỏ hai miền đã gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom và trao đổi danh sách để xác nhận các ứng viên ở mỗi bên có người thân còn sống ở bên kia.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, chiều 5/10, Triều Tiên vừa trao trả Joo Won-moon, sinh viên người Hàn Quốc bị bắt giữ từ tháng 4 vừa qua. Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định của Triều Tiên trao trả sinh viên trên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thả 3 người Hàn Quốc khác bị bắt giữ trước đó. Joo Won-moon, 21 tuổi, bị bắt hôm 22/4 vì xâm nhập trái phép Triều Tiên từ thành phố Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc qua sông Áp Lục. Được biết, sinh viên Joo Won-moon có quyền cư trú lâu dài ở Mỹ và sống tại bang New Jersey trước khi bị bắt giữ tại Triều Tiên.
60.000 người biểu tình mang theo các băngrôn như "Chấm dứt thắt lưng buộc bụng ngay" và "Ngưng ngay các cuộc chiến tranh không ích lợi" tràn xuống đường phố Manchester, Anh ngày 5/10. Công đoàn công thương Anh kêu gọi cuộc biểu tình trên với khẩu hiệu "Nói không thắt lưng buộc bụng, nói có với quyền công nhân" khi phản đối các chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ cùng các nỗ lực hạn chế của chính phủ nhắm vào quyền công nhân và công đoàn của họ.
Giải Nobel y khoa 2015 chia đều giải thưởng cho hai khám phá phương pháp trị sự lây nhiễm giun chỉ và phương pháp điều trị sốt rét. Theo đó, nữ khoa học gia Trung Quốc YouYou Tu nhận một nửa giải thưởng cho khám phá ra phương pháp sử dụng thảo dược truyền thống để trị bệnh sốt rét. Nhà khoa học gốc Ireland Campbell và nhà khoa học Nhật Bản Omura giành một nửa giải thưởng nhờ khám phá ra loại thuốc mới là avermectin giúp trị hiệu quả bệnh mù sông do giun chỉ và bệnh giun chỉ bạch huyết, còn gọi là bệnh phù chân voi, cũng như các bệnh ký sinh khác.