Phát biểu họp báo tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, Tổng thống Nga nhấn mạnh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đưa ra động thái trên vào thời điểm hiện tại là "hoàn toàn không phù hợp" bởi nó có thể cản trở hoặc phá vỡ niềm tin trong tiến trình hòa đàm. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow sẽ không ủng hộ bất cứ biện pháp trừng phạt bổ sung nào áp đặt lên Chính phủ Syria.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 28/2 đã bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào các thực thể và cá nhân ở Syria có liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, dự thảo đã không được thông qua, khi có tới 3 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 9 phiếu thuận. Trong số 3 phiếu chống, Nga và Trung Quốc là hai nước bỏ phiếu phủ quyết, thành viên còn lại là Bolivia.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã tiến hành chuyến thăm Mỹ trong 2 ngày 27 và 28/2. Đây là sự kiện được cho là bước tiến mới nhất của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nỗ lực đưa các mối quan hệ quay trở lại quỹ đạo bình thường sau khởi đầu khá căng thẳng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. (XEM CHI TIẾT)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ xin lỗi vì đã không giải cứu được con tin người Đức Jurgen Kantner khỏi tay nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tại Philippines, song khẳng định không nên đáp ứng yêu cầu trả tiền chuộc của bọn bắt cóc. Theo Tổng thống Duterte, quân đội Philippines trước đó đã tăng cường chiến dịch chống Abu Sayyaf nhằm nỗ lực giải cứu con tin trên, song họ đã thất bại.
Các nghị sỹ của Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu tước tư cách thành viên Nghị viện châu Âu (EP) của ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen, vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên mạng xã hội Twitter. Bà Le Pen, thành viên EP, đang bị điều tra tại Pháp vì đã đăng tải trên Twitter một số hình ảnh bạo lực do IS gây ra vào năm 2015, trong đó có hình ảnh IS chặt đầu nhà báo người Mỹ James Foley. Bà Le Pen đang phải đối mặt với án tù 3 năm và số tiền phạt 75.000 euro.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/2 đã mở phiên xét xử số đối tượng lớn nhất từ trước đến nay - khoảng 330 người - bị cáo buộc liên quan vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. Hãng thông tấn Anadolu đưa tin hơn 240 người trong tổng số nghi can có tên trong bản cáo trạng trên hiện đang bị giam giữ. Những đối tượng này đối mặt với cáo buộc phạm tội giết người, âm mưu giết người, âm mưu lật đổ chính quyền và quốc hội hoặc cản trở người thi hành công vụ. Nếu bị kết tội, nhiều người trong số này sẽ phải lĩnh án tù chung thân.
Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) thông báo cuộc bầu cử hội đồng thành phố dự kiến vào tháng 5 tới sẽ chỉ diễn ra tại Bờ Tây mà không tổ chức ở Dải Gaza. Tuyên bố này đã dập tắt những hy vọng về cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức ở cả 2 vùng lãnh thổ trong một thập kỷ qua. Người phát ngôn của PNA tại thành phố Ramallah, ông Tarek Rishmawi cho biết bầu cử hội đồng thành phố tại Bờ Tây sẽ diến ra vào ngày 13/5 tới và hoãn bầu cử tại Dải Gaza. Tuy nhiên, ông không nêu rõ thời điểm tổ chức bầu cử tại Gaza.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mỹ James Woolsey cảnh báo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển mạnh mẽ hơn so với dự đoán của các chuyên gia và điều này có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ. Ông Woolsey chỉ ra rằng Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu phát triển chương trình hạt nhân từ năm 1994, song kể từ năm 2006 đến nay, Bình Nhưỡng đã 5 lần tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Ông cũng cho rằng các chuyên gia đã xem nhẹ Triều Tiên khi cho rằng năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng còn yếu.
Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thành công máy bay không người lái trinh sát đa năng thế hệ mới Ilun-2 (Thằn lằn bay). Theo hãng Sputnik, máy bay không người lái trinh sát đa năng thế hệ mới Ilun-2 có chiều cao 4,1 mét, chiều dài 11 mét, sải cánh 20,5 mét. Tầm cao tối đa mà Ilun-2 có khả năng bay lên là 9 km và tốc độ tối đa là 370 km/h. Trọng lượng cất cánh tối đa là 4,2 tấn. Máy bay Ilun-2 có thể bay trong không gian 20 giờ. (XEM CHI TIẾT)