THẾ GIỚI 24H: Nga và Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Unian
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Unian
TPO - Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin thông báo, Kiev đã nhận được công hàm ngoại giao từ phía Moscow thông báo về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa hai nước vào ngày 1/4 tới

Ngoại trưởng Klimkin cho biết công hàm nói trên, gồm 12 trang, là câu trả lời đối với quyết định của Ukraine về việc hủy bỏ hiệp ước. Với thông báo này, mối quan hệ giữa hai nước trong năm 2019 được dự báo sẽ còn nhiều phức tạp. Quan hệ giữa Kiev và Moscow đã và đang xấu đi kể từ đầu năm 2014 do các vấn đề Crimea và xung đột ở miền Đông Ukraine. 


Ngày 13/3 phát ngôn viên của Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cho biết chỉ trong vài ngày qua, hơn 3.000 thành viên thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Baghhouz, phía Đông tỉnh Deir al-Zour, thành trì cuối cùng của IS ở Syria đã ra hàng. Trước đó, ngày 10/3, SDF đã nối lại chiến dịch tấn công vào Baghouz sau khi dừng chiến dịch này vài ngày trước để sơ tán hàng ngàn người dân bị mắc kẹt bên trong.


Sáng nay (14/3), Đoàn Thị Hương sẽ đến Tòa Thượng thẩm Shah Alam tại bang Selangor, Malaysia để tiếp tục phiên đối chất. Phiên tòa đã bị gián đoạn 3 ngày qua. Diễn biến hồi đầu tuần tại Shah Alam khiến truyền thông quốc tế sửng sốt, trong khi các luật sư của Đoàn Thị Hương phẫn nộ vì thân chủ bị đối xử không công bằng.


Ngày 13/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp kín cùng đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen nhằm tìm kiếm giải pháp cứu thỏa thuận ngừng bắn hiện đang ở thế bế tắc - một thỏa thuận quan trọng trong nỗ lực về ngoại giao nhằm tiến tới chấm dứt cuộc chiến ở nước này. Chính phủ Yemen và liên quân đồng minh Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đồng ý đàm phán với phiến quân Houthi từ gần một tháng trước về việc rút quân khỏi thành phố Hodeida nhưng trên thực tế không bên nào thực hiện.


Đêm 13/3 theo giờ Việt Nam, với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận. Động thái này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải đứng trước lựa chọn lùi thời hạn Brexit. Ngoài ra, các nghị sỹ Anh cũng bỏ phiếu phản đối điều khoản sửa đổi cho phép Chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 22/5.


Ngày 14/3, một cuộc tập trận săn tàu ngầm của 3 nước Mỹ, Anh và Nhật Bản đã bắt đầu diễn ra tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tham gia tập trận, về phía Mỹ có một máy bay tuần tra hàng hải P-8A của Hải quân Mỹ, 2 tàu khu trục của Vương quốc Anh. Nhật Bản cũng gửi tàu khu trục, máy bay tuần tra hàng hải và tàu ngầm đến cuộc tập trận này.(XEM CHI TIẾT…)


Rạng sáng 14/3 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh khẩn cấp cấm bay đối với tất cả máy bay chở khách thương mại Boeing 737 Max 8 và Max 9. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Tất cả máy bay thuộc hai dòng Boeing 737 Max 8 và Boeing 737 Max 9 sẽ không được cất cánh. Sự an toàn của người dân Mỹ là mối quan tâm tối thượng của chúng ta”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/3 tuyên bố, trong vòng 3 tuần tới, chính quyền của ông sẽ có một cuộc họp báo tại biên giới phía Nam nước Mỹ. Động thái diễn ra trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội đối với dự án xây bức tường biên giới.

MỚI - NÓNG