Trả lời họp báo ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ông Rhodes nói: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không tốt cho Nga khi điều thêm trang thiết bị quân sự hoặc nhân sự tới Syria. Chúng tôi tin rằng tốt nhất là chúng ta nên tập trung vào hỗ trợ tiến trình ngoại giao”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/4 đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông.
Chuyến thăm được cho là nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh truyền thống trong khu vực. Tại các cuộc hội đàm cấp cao, các nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như tình hình tại các điểm nóng xung đột như Yemen, Syria, Iraq và Lebanon.
Tướng Lục quân Mỹ Curtis Scaparrotti, người được đề cử làm lãnh đạo lực lượng Mỹ tại châu Âu, khẳng định rằng lữ đoàn thiết giáp của Mỹ đồn trú thường trực ở châu Âu sẽ có khả năng răn đe Nga hữu hiệu hơn là hoạt động luân chuyển lực lượng như hiện nay.
Tướng Scaparrotti tuyên bố ông nhất trí với các lãnh đạo quân sự khác về việc Nga là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và Washingston cần kiên quyết khẳng định các quyền lợi của mình.
Ủy viên phụ trách mở rộng Liên minh châu Âu Johannes Hahn cho rằng chính phủ mới ở Ukraine phải sử dụng 100 ngày đầu tiên trong nhiệm sở để thực thi những cải cách cần thiết nhằm giành được khoản viện trợ mới trị giá 600 triệu euro. Ông Hahn chỉ rõ một trong các bước đi mà chính quyền Kiev cần thực hiện là giải quyết nạn tham nhũng bằng việc bổ nhiệm một Tổng Công tố mới có tư tưởng cải cách. Theo ông Hahn, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko nên bổ nhiệm một nhân vật “độc lập” vào vị trí này vì đây một trong những vị trí quyền lực nhất của Ukraine.
Thủ tướng Syria Wael al-Halaki cho biết Damascus sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp sau khi chính phủ mới được thành lập. Ông Halaki cũng nói rằng Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp không mong muốn một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Ông nêu rõ: "Các chính quyền này đang nỗ lực làm leo thang các hành động khủng bố, bảo trợ khủng bố và phá hoại thỏa thuận ngừng bắn được Nga và Mỹ nhất trí".
Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, an ninh của Indonesia Luhut Panjaitan cho biết, Indonesia cùng Philippines và Malaysia sẽ tham gia tuần tra chung tại các đường ranh giới biển của các nước trong bối cảnh mối đe dọa về nạn cướp biển đang gia tăng.
Mới đây nhất là vụ 18 người Indonesia và Malaysia bị bắt cóc trong 3 vụ tấn công tàu ở vùng biển giáp với Phillipines. Các vụ tấn công trên biển còn ảnh hưởng đến ngành than của các nước láng giềng ở Đông Nam Á vì Indonesia là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới và cung cấp 70% nhu cầu than cho Phillipines.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 21/4 tuyên bố chưa có ý định chấm dứt chiến dịch ngăn chặn những kẻ buôn người trên biển Aegean, đồng thời khuyến cáo các nhóm buôn người "đang thay đổi lộ trình rất mau lẹ". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng những kẻ buôn người vẫn đang tìm cách đưa người di cư trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp bất chấp NATO đã triển khai chiến dịch hải quân chưa từng có tiền lệ nhằm giúp châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư.
Chính phủ Anh cam kết trong 5 năm tới sẽ tiếp nhận hơn 3.000 trẻ em tị nạn, đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi các cuộc xung đột bạo lực tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Theo thông báo của Văn phòng Bộ Nội vụ Anh, những đối tượng được tiếp nhận là những trẻ em sống một mình hoặc sống cùng thân nhân, và có nguy cơ bị bóc lột lao động, cưỡng ép hôn nhân hay các hình thức lạm dụng khác.
Harriet Tubman, nhà hoạt động nhân quyền chống lại chế độ nô lệ, đã trở thành "gương mặt mới" của tờ tiền mệnh giá 20 USD.
Đây là lần đầu tiên một nhân vật người Mỹ gốc Phi xuất hiện trên một tờ bạc của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, quyết định lựa chọn bà Harriet Tubman xuất phát từ sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng nghìn người Mỹ ở mọi lứa tuổi dành cho nhân vật lịch sử này.