Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm Chủ nhật (21/10) đã tuyên bố, Đức sẽ tạm ngưng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia vì vụ nhà báo vừa bị sát hại. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại bang Hessen chiều 21/10, nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel tuyên bố, trong bối cảnh hiện nay, khi các nghi vấn liên quan đến cái chết của nhà báo Saudi Arabia, Khashoggi chưa được làm sáng tỏ, chính phủ Đức sẽ tạm ngưng toàn bộ các hợp đồng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Saudi Arabia "nói dối" về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Đây là bình luận mạnh mẽ nhất của ông Trump cho đến nay về vấn đề này, trong bối cảnh chính quyền Washington đang chịu sức ép phải có một quan điểm cứng rắn hơn. Trước đó, Tổng thống Trump đã cho rằng cách giải thích mới nhất của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi ở bên trong Lãnh sự quán tại Istanbul là đáng tin cậy, đồng thời khẳng định tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Người phát ngôn quân đội ở khu vực miền Bắc Afghanistan Mohammad Hanif Rezai thông báo khoảng 30 phiến quân đã thiệt mạng khi máy bay chiến đấu oanh tạc một cuộc họp của Taliban ở huyện Baghlan-e-Markazi, tỉnh Baghlan miền Bắc nước này vào ngày 21/10. Theo ông Rezai, dựa vào thông tin tình báo, các chiến đấu cơ đã thực hiện vụ không kích nhằm vào cuộc họp của phiến quân Taliban ở huyện Baghlan-e-Markazi vào tầm trưa, tiêu diệt tại chỗ 30 tay súng.
Ngày 21/10, Phó Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Numan Kurtulmus tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận bất cứ hành động bao che nào liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul. Trả lời phỏng vấn kênh CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kurtulmus nhấn mạnh: “Một tội ác không thể xảy ra tại một lãnh sự quán mà các quan chức cấp cao của quốc gia đó không hề biết gì."
Hàng trăm ngàn người Anh cuối tuần qua đã xuống đường tại London, biểu tình phản đối việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU, còn gọi là Brexit) và yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới. Các cử tri trẻ dẫn đầu cuộc tuần hành tại Quảng trường Quốc hội ở London. Theo Reuters, có khoảng 700.000 người biểu tình.
Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận, nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga năm 1987. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục đơn phương rút khỏi các hiệp ước, Moscow sẽ có những biện pháp đáp trả, bao gồm cả biện pháp quân sự.
Ngày 21/10, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ chuẩn bị mở rộng cuộc diễn tập không quân Cope India song phương thành cơ chế 3 bên. Ba nước này trước đó đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong khuôn khổ cuộc diễn tập Malabar mở rộng. Mỹ là bên đề xuất tổ chức diễn tập không quân 3 bên cùng với Ấn Độ và Nhật Bản. Theo đó, cuộc diễn tập Cope India sẽ được chuyển sang cơ chế 3 bên theo từng giai đoạn. Cuộc tập trận tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 21/10 cảnh báo các nước sẽ gặp khó khăn hơn trong việc được miễn trừng phạt liên quan tới lệnh cấm nhập dầu mỏ Iran so với thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Hãng tin Reuters dẫn phát biểu trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong chuyến thăm Trung Đông cho biết để được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ, các nước sẽ phải giảm khoảng 20% lượng dầu nhập khẩu từ Iran so với giai đoạn 2013-2015.