THẾ GIỚI 24H: Chủ tịch huyện ở Trung Quốc dọa bắt giam người về quê ăn Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một chủ tịch huyện ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích sau khi đe dọa sẽ tạm giam người trở về địa phương ăn Tết từ khu vực có rủi ro trung bình hoặc cao.

“Bất cứ ai trở về nhà từ vùng rủi ro trung bình hoặc cao sẽ bị cách ly rồi bị tạm giam”, ông Đổng Hồng, Chủ tịch huyện Đan Thành, tỉnh Hà Nam nói trong video một buổi họp được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, South China Morning Post đưa tin ngày 23/1. Ông Đổng cho biết bình luận của mình xuất phát từ thiện chí. Ông kể đã nghe thấy một số người khăng khăng trở về nhà từ vùng rủi ro cao, dù có phải đối diện với “án tử hình”. Trước đó, một người làng thuộc huyện Đan Thành đã bị tạm giam vì trở về từ vùng rủi ro trung bình ở Thượng Hải mà không xét nghiệm COVID-19 hoặc cập nhật lịch sử đi lại với nhà chức trách. Phát ngôn của ông Đổng khiến nhiều người dùng trên mạng xã hội cảm thấy bất bình. Một số tờ báo nhà nước đăng bài chỉ trích vị chủ tịch huyện.


Tổng thống Armenia bất ngờ từ chức. Sau gần 4 năm nắm quyền, Tổng thống Armenia tuyên bố từ chức sớm vì "thiếu các công cụ hiến pháp để giúp đất nước”, vào thời điểm thế giới đang trải qua giai đoạn “náo loạn liên tục”. Theo RT, Tổng thống Armen Sarksyan cũng trích dẫn việc "thiếu công cụ cần thiết để tác động đến các quá trình cơ bản trong chính trị đối nội và đối ngoại" là một trong những lí do chính đằng sau quyết định từ chức của mình. Ông chỉ ra thực tế rằng, tổng thống ở Armenia không thể phủ quyết các luật mà bản thân cho là không hợp lý hoặc “ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình”.


Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 4.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 351 triệu ca, trong đó trên 5,61 triệu ca tử vong. Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới với trên 71,8 triệu ca, trong đó khoảng 889.000 ca tử vong.


WHO dự báo kết thúc COVID-19 ở châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, đại dịch COVID-19 có thể sẽ kết thúc ở châu Âu sau giai đoạn lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu tin rằng, mức độ “miễn dịch toàn cầu” có thể đạt được trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng tới, do sự kết hợp của nhiều yếu tố gồm tình trạng ca mắc mới tương đối cao, tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng và xu hướng "giảm thời vụ" khi Bắc bán cầu bước vào mùa xuân.


Chính phủ Cameroon ngày 23/1 cho biết 16 người đã thiệt mạng và 8 người bị thương nặng khi xảy ra hỏa hoạn do sử dụng pháo bông tại một câu lạc bộ đêm ở thủ đô Yaounde. Theo thông báo của Bộ Truyền thông, vụ việc xảy ra vào rạng sáng 23/1 giờ địa phương, trong bối cảnh nước này đang đăng cai Giải Vô địch bóng đá các quốc gia châu Phi (CAN) 2021. Giải đấu này đã 3 lần phải dời lịch tổ chức.


Hơn 120 người đã thiệt mạng trong các đợt giao tranh, giữa lực lượng người Kurd Syria với các tay súng Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, tại khu vực nhà tù Ghwayran, thành phố Hasakeh do người Kurd kiểm soát. Cuộc giao tranh tại nhà tù Ghwayran giam giữ các tay súng IS bắt đầu từ ngày 18/1 và vẫn chưa thể kết thúc. Tuy nhiên, các con số được lực lượng người Kurd cung cấp trước đó ít hơn nhiều.


Cảnh sát Hà Lan cho biết họ phát hiện một người trốn ở khoang bánh của chuyến bay hạ cánh tại sân bay Amsterdam đến từ Nam Phi, BBC đưa tin hôm 23/1. Cảnh sát cho biết tuổi và quốc tịch của người đàn ông “đi lậu vé” vẫn chưa được xác định. “Người đàn ông được tìm thấy còn sống trong phần bánh xe ở mũi của máy bay và được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ổn định”, phát ngôn viên Cảnh sát Quân sự Hoàng gia Hà Lan Joanna Helmonds nói với hãng tin AFP.


Mỹ khuyến cáo đi lại tới Ukraine. Ngày 23/1, Mỹ đã khuyến cáo tránh đi lại tới Ukraine, đồng thời ra chỉ thị cho nhân viên không thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine cùng gia đình rời khỏi nước này, cũng như toàn bộ công dân nên cân nhắc rời khỏi quốc gia Đông Âu do mối đe dọa Nga có thể hành động quân sự.


Peru ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường dọc khu vực bờ biển bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu. Chính phủ Peru cho biết sắc lệnh tình trạng khẩn cấp về môi trường sẽ kéo dài trong 90 ngày. Ngoài ra, Peru cũng lên kế hoạch "quản lý bền vững" 21 bãi biển bị ô nhiễm do 6.000 thùng dầu tràn ra từ một tàu chở dầu đang dỡ hàng tại nhà máy lọc dầu La Pampilla gần thủ đô Lima tuần trước.

MỚI - NÓNG