THẾ GIỚI 24H: 65 nước ra tuyên bố chung phản đối can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Lễ hội đua ngựa tại Gongga thuộc vùng tây bắc Khu tự trị Tây Tạng. Ảnh: Xinhua
Ảnh minh họa: Lễ hội đua ngựa tại Gongga thuộc vùng tây bắc Khu tự trị Tây Tạng. Ảnh: Xinhua
TPO - Pakistan đã thay mặt 65 quốc gia đưa ra bản tuyên bố chung, nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác trong quan hệ quốc tế.

Tuyên bố được đưa ra tại phiên họp lần thứ 48 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) ngày 24/9. Tại đây, đại diện 65 nước coi tình hình Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà các thế lực nước ngoài không được phép can thiệp. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với mô hình “một nhà nước, hai chế độ” tại khu hành chính đặc biệt Hong Kong. Các nước tham gia ký tuyên bố chung kêu gọi quốc tế tuân thủ mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng quyền của các quốc gia dân tộc trong việc độc lập lựa chọn con đường phát triển nhân quyền phù hợp với điều kiện từng quốc gia. Các bên cần theo đuổi chủ nghĩa đa phương, đoàn kết, hợp tác và thúc đẩy nhân quyền thông qua đối thoại thiện chí.

Cuba ngày 25/9 thông báo nước này đã lần đầu tiên xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 ra nước ngoài với chuyến hàng đầu tiên được chuyển sang Việt Nam. Đây là một phần của thỏa thuận cung cấp 5 triệu liều vaccine Abdala cho Việt Nam. Các nhà khoa học ở Cuba đã phát triển được 3 loại vaccine ngừa Covid-19 và cả ba đều đang đợi được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức phê duyệt. Trên Twitter ngày 24/09, Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) đã đăng những bức ảnh về lô hàng vaccine đầu tiên chuyển cho Việt Nam.

Theo kế hoạch, đúng 18h ngày 26/9 theo giờ địa phương tại Đức, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa và kết quả sơ bộ ban đầu sẽ được các hãng thăm dò công bố ngay sau đó. Hơn 60 triệu cử tri trên toàn nước Đức đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử lịch sử, đánh dấu sự kết thúc 16 năm cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel, trong bối cảnh tương quan lực lượng giữa hai đảng phái chính là Dân chủ Thiên chúa giáo-Xã hội Thiên chúa giáo CDU/CSU và đảng Dân chủ xã hội - SPD sít sao chưa từng có trong hơn 2 thập kỷ qua.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 371.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 232 triệu ca, trong đó trên 4,75 triệu ca tử vong. Tính từ đầu đại dịch, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với trên 43,7 triệu ca mắc và trên 705.000 ca tử vong vì COVID-19. Tiếp đó là Ấn Độ với 33,6 triệu ca mắc và Brazil với 21,3 triệu ca mắc. Tính theo khu vực, châu Á là nơi dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng nhất với trên 75 triệu ca mắc và trên 1,11 triệu ca tử vong. Tiếp đó là châu Âu với trên 58 triệu ca mắc, Bắc Mỹ với trên 52 triệu ca mắc, Nam Mỹ với trên 37,6 triệu ca mắc.

Ít nhất 8 người thiệt mạng, 9 người bị thương trong một vụ đánh bom xe liều chết gần dinh thự của tổng thống Somalia ở thủ đô Mogadishu chiều 25/9. Cảnh sát Mogadishu cho biết vụ tấn công nhằm vào một trạm kiểm soát an ninh gần dinh thự của tổng thống Somalia. Văn phòng chính phủ Somalia xác nhận trong số các nạn nhân của vụ tấn công có quan chức trong Văn phòng Thủ tướng. Vụ tấn công khiến nhiều xe ôtô đỗ gần đó bị hư hại.

Báo Pháp Mediapart công bố đã có ít nhất 5 bộ trưởng của Pháp bị tấn công bằng phần mềm gián điệp Pegasus trên điện thoại. 5 nhân vật bị tấn công gồm Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Gắn kết các vùng lãnh thổ, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Nhà ở và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp. Mediapart cho biết họ thu được thông tin này từ nhiều nguồn tình báo. Hiện vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn điện thoại của các bộ trưởng đã bị bẻ khóa thành công. Tuy nhiên, Mediapart vẫn khẳng định smartphone của các chính trị gia bị cài phần mềm độc hại Pegasus. Một trong số này đã thay đổi số điện thoại bàn và di động, theo Mediapart. Ngoài ra, điện thoại của một trong những cố vấn ngoại giao của Tổng thống Macron cũng bị nhắm làm mục tiêu.

Hai công dân Canada được Trung Quốc trả tự do ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu rời Vancouver về nước. Hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor đã được Trung Quốc trả tự do sau hơn 1.000 ngày bị giam giữ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết hai người này đã lên máy bay và sẽ về nước trong ngày 25/9, theo Reuters. Kovrig và Spavor bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ tháng 12/2018, không lâu sau khi cảnh sát Vancouver bắt Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu. Ottawa cáo buộc Bắc Kinh bắt hai ông Kovrig và Spavor làm con tin nhằm gây sức ép lên Canada trong vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần phủ nhận hai vụ việc có liên quan tới nhau.

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ xảy ra ở thành phố Jalalabad thuộc tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan. Theo một nguồn tin sở tại, một quả bom đã phát nổ trong một ô tô của lực lượng Taliban. Những người bị thương, bao gồm cả những thành viên của lực lượng này, đã được đưa tới bệnh viện.

Lãnh đạo quân kháng chiến đang tập hợp cùng các quan chức chính quyền Afghanistan bị lật đổ để tìm cách thành lập chính phủ lưu vong nhằm chống lại Taliban. Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) sau khi bị đánh bật khỏi thung lũng Panjshir đã chạy sang nước láng giềng Tajikistan. Các lãnh đạo NRF đang tìm cách tập hợp lại nhằm xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài chống lại Taliban, Foreign Policy cho biết. Một cựu quan chức Afghanistan giấu tên cho biết NRF đã liên lạc với các chính trị gia trong chính quyền Afghanistan cũ, các quan chức quân đội để thành lập một chính phủ lưu vong. Họ đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính, quân sự để xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài.

MỚI - NÓNG