Chủ tịch nước kết thúc chuyến tham dự Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chuyến tham dự hội nghị tại Liên Hợp Quốc (LHQ) lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục mang lại thành tựu trọn vẹn từ ngoại giao đa phương, song phương, ngoại giao vắc-xin đến xúc tiến đầu tư.

Đúng 21h tối 25/9, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp các chương trình tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Mỹ từ ngày 21 đến 24/9.

Đặc biệt, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn kết thúc hành trình cả chuyến công tác từ Cuba sang Mỹ vận chuyển 1,05 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 và trang thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD về Việt Nam, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân trong nước.

Không chỉ làm nổi bật vai trò, vị thế của Việt Nam tại sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh, chuyến tham dự hội nghị tại LHQ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục mang lại thành tựu trọn vẹn từ ngoại giao đa phương, song phương, ngoại giao vắc-xin đến xúc tiến đầu tư.

Đáng chú ý, chuyến công tác diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhu cầu hợp tác quốc tế về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội ngày càng cấp thiết, đặt ra nhiều thách thức lớn cần giải quyết.

Chủ tịch nước tới New York tham dự kỳ họp của Đại hội đồng LHQ lần này cũng tròn 44 năm ngày Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2021).

Trong thời gian 3 ngày, với khoảng 60 hoạt động thiết thực, hiệu quả, chuyến thăm là minh chứng cụ thể cho thấy một Việt Nam năng động và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế hiện nay, thể hiện mong muốn của Việt Nam về hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

Trong bài phát biểu của mình tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng khóa 76 - sự kiện tâm điểm của chuyến công du, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao vai trò của các tổ chức LHQ và các cơ chế đa phương, nhất là COVAX trong thúc đẩy tiếp cận công bằng vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19. Để sớm đẩy lùi COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vắc-xin cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vắc-xin”.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những nỗ lực này sẽ không thể mang lại kết quả nếu không có môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước kết thúc chuyến tham dự Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ảnh 1
Sáng 23/9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ về Biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của hiệp hội trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương; chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, các bạn bè quốc tế đã đến gặp gỡ và chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ chia sẻ và đánh giá cao bài phát biểu.

Cũng tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an về biến đổi khí hậu; Hội nghị Trực tuyến Thượng đỉnh Toàn cầu về COVID-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì. Chủ tịch nước cũng gửi thông điệp tại Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về hệ thống lương thực.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với sự chủ động, tích cực tham dự và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại nhiều phiên họp quan trọng của LHQ, chúng ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển và vươn lên, có trách nhiệm và đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững trong và sau đại dịch.

Các thông điệp, đề xuất của Chủ tịch nước tại các phiên họp của LHQ được nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ, đánh giá cao và hưởng ứng tích cực.

Củng cố và mở rộng quan hệ ngoại giao quốc gia, trong hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như Ireland, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Latvia, Thụy Điển, Guyana, Lesotho, Costa Rica, Colombia, Uruguay, Slovenia, Dominica, Sierra Leone, Mông Cổ, Thụy Sỹ, Áo, Hà Lan, Đức…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc trao đổi với đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry; trao đổi trực tuyến với Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Patrick Leahy, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ và gặp lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn: Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…

Các đồng chí lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành trung ương trong thành phần đoàn cũng rất chủ động, tích cực gặp gỡ lãnh đạo các đối tác liên quan, trong đó có khoảng 20 Bộ trưởng Ngoại giao các nước.

Tại thành phố New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian cho công tác xúc tiến thương mại, đầu tư qua khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới như Quantum, Gen X và Tập đoàn Blackstone, AES, Asia Group, Thermo Fisher, Northwestern Medicine, Excelerate Energy, Macquarie, JP Morgan, Boeing, USABC, Amcham, USCC, McLarty, Philip Morris, BCIU, Blackrock, Next Decade, Exxon Mobil…

Chủ tịch nước đã chứng kiến các lễ ký kết, trao đổi hợp tác giữa các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Trong số này, đáng chú ý có thỏa thuận hợp tác giữa liên danh Công ty Kinh Bắc và Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn với Tập đoàn Quantum triển khai chuỗi dự án lên đến trên 20 tỷ USD; thỏa thuận hợp tác của Tập đoàn T&T Group và các đối tác Mỹ trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thu mua nông sản, phân phối dược phẩm; Thỏa thuận hợp tác của Tập đoàn Vingroup với Google Cloud (Mỹ) về việc triển khai chiến lược chuyển đổi số; thoả thuận hợp tác trị giá khoảng 2 tỷ USD giữa Hãng hàng không Bamboo Airways với GE Aviation (thuộc Tập đoàn General Electric) Mỹ…

Một nội dung đối ngoại quan trọng khác là việc triển khai Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt xúc động với kiều bào Việt Nam tại Mỹ.

Dành thời gian lắng nghe, giải đáp các ý kiến của bà con, Chủ tịch nước khẳng định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “bộ phận không thể tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Chứng kiến Lễ trao nhận thiết bị y tế do ông David Dương, doanh nhân Việt kiều ở Mỹ, trao tặng 1.000 máy thở ủng hộ người dân trong nước trong việc phòng, chống COVID-19, Chủ tịch nước mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các hoạt động thiết thực của bà con hướng về cội nguồn.

Ngày càng nhiều con em các gia đình Việt kiều, thanh niên, sinh viên kiều bào đem những kiến thức, hiểu biết và nhiệt huyết của sức trẻ về góp phần xây dựng quê hương, qua đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc đóng góp vào công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh và hòa bình.

Nhân dịp công tác tại Mỹ, Chủ tịch nước đã tới thăm trụ sở Công ty Pfizer; thăm và gặp gỡ cán bộ nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại LHQ.

Chủ tịch nước kết thúc chuyến tham dự Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ảnh 2

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý tiễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tại Sân bay quốc tế J.F Kennedy. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước cũng tiếp thân mật đại diện bạn bè Mỹ nhân tưởng niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và gặp gỡ bạn bè cánh tả Mỹ.

Trước khi lên đường về nước, Chủ tịch nước và đoàn đã đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Quốc gia 11/9-công trình tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York ngày 11/9/2001.

Những kết quả gần hai năm đảm nhận ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và chuyến công tác này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.


Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-nuoc-ket-thuc-chuyen-tham-du-phien-thao-luan-chung-dhd-lhq/743114.vnp

Theo TTXVN/VietNam +
MỚI - NÓNG