Cả thầy và trò phải luôn vượt lên chính mình, vượt qua bóng tối để đến với ánh sáng của kiến thức.
Từ những người thầy khiếm thị
Từ nhiều năm nay, sáng nào thầy giáo khiếm thị Nguyễn Văn Thanh cũng đi xe buýt từ huyện Củ Chi đến trung tâm TPHCM rồi đi thêm cuốc xe ôm nữa đến Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1970, thầy được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Củ Chi. Khi sinh ra, cậu bé Thanh cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng năm 3 tuổi, bệnh sởi cướp đi ánh sáng từ đôi mắt. Sau đó không lâu, bố Thanh mất, người mẹ tần tảo nuôi con. Năm lên 6 tuổi, Thanh phải sống với bà ngoại vì mẹ đi thêm bước nữa. Cuộc sống tuổi thơ không thấy ánh sáng cứ thế trôi đi. Năm lên 13 tuổi, nhờ sự giúp đỡ của người thân, Thanh mới được gia đình cho vào Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để học những chữ cái đầu tiên.
Lên lớp 10, Thanh phải hằng ngày đi xích lô đến học tại Trường Phổ thông Lao động (nay là TTGDTX Chu Văn An). Học hết lớp 12, Thanh lại đi học cùng một lúc hai trường: CĐ Văn hóa Nghệ thuật và CĐ Sư phạm Sài Gòn (nay là ĐH Sài Gòn). Thầy Thanh nhớ lại: “Hằng ngày, cứ sáng là học ở khoa Sử của CĐ Sư phạm Sài Gòn, trưa lại về trường Nguyễn Đình Chiều ăn cơm, sau đó lại đi xích lô đến học thanh nhạc ở CĐ Văn hóa nghệ thuật. Hồi đó, học cực lắm vì không có tài liệu. Tôi nhờ bạn mua tài liệu về phòng trọ, rồi nhờ người bạn ghi âm vào băng cát-sét. Sau đó mở băng ra và chép lại bằng chữ nổi. Lúc đó mới có tài liệu để học”. Thời gian cứ thế trôi qua, đến năm 1998, Thanh tốt nghiệp và trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Nguyễn Đình Chiểu cho đến bây giờ. Để được vào biên chế ngành, thầy Thanh cũng phải trải qua kỳ thi tuyển công chức và trở thành học trò khiếm thị đầu tiên của trường Nguyễn Đình Chiểu vào biên chế ngành giáo dục.
Tại Trường THPT Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhiều thầy giáo khiếm thị khác cũng miệt mài đứng lớp. Mỗi thầy giáo là một câu chuyện dài về sự nỗ lực không ngừng. Thầy Nguyễn Văn Long (SN 1977, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng là học sinh khiếm thị của trường, vượt qua khó khăn và tốt nghiệp khoa Sử ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM. Thầy Nguyễn Hữu Thế (SN 1978) tốt nghiệp khoa Sử của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, rồi học tiếp văn bằng 2 ngành Giáo dục đặc biệt của ĐH Sài Gòn. Thầy Tô Nguyên Châu, (SN 1986, quê TPHCM) tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt của ĐH Sư phạm TPHCM và hiện là giáo viên dạy lớp 1 của trường Nguyễn Đình Chiểu…
Đến những học trò thiệt thòi
Hàng trăm học sinh của trường là hàng trăm câu chuyện, hàng trăm cảnh đời éo le. Có những em sinh ra không biết bố mẹ mình là ai, có những em sinh ra trong gia đình nghèo khó, anh em bị dị tật…
Để đến được lớp học, các em phải dựa vào nhau để đi . |
Lê Minh Tâm là con út trong một gia đình nghèo có 11 người con ở Tây Ninh. Nhà Tâm có tới 5 người khiếm thị. Tâm học xong cấp 1 ở quê thì chuyển lên trường Nguyễn Đình Chiểu để học cấp 2. Ở đây, Tâm vừa học chữ, vừa học nhạc. Tâm đang học lớp 12 tại Trung tâm GDTX Chu Văn An. Hết giờ học ở trung tâm, Tâm về trường ở nội trú và học nhạc cùng với các học sinh ở trường. Tâm chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của em là học lên cao hơn nữa để trở thành một thầy giáo dạy nhạc, để được dạy cho những em học sinh không may bị dị tật như em”. Còn em Lê Thị Mai, khi được hỏi về gia đình mình ở đâu, em chỉ lắc đầu. Em bảo: “Con ước mơ thành cô giáo để cầm tay dạy cho các em bị khiếm thị viết chữ. Con không biết làm cô giáo là thế nào nhưng các thầy cô ở trường hay cầm tay dạy con viết nên con muốn thế”.
Ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỗi lớp chỉ có vài học sinh. Các em dùng tay rà trên mặt sách được viết bằng chữ nổi Braille, vừa rà vừa đọc. Giờ dạy nhạc của thầy Thanh cũng thế. Những đôi bàn tay thoăn thoắt dò ký hiệu chữ và miệng đọc to từng nốt nhạc. Trong khi đó, phòng học vi tính vang lên những tiếng gõ lách cách. Để đến được phòng học, học sinh dò dẫm từng bước đi trên hành lang và tự tìm đến phòng. Khi vào đến phòng, các em lại dò dẫm tìm ghế để ngồi đúng vị trí thường ngày vẫn ngồi. Thầy Thanh cho biết, lúc đầu phải chỉ định học sinh ngồi vào vị trí và hôm sau các em phải đến ngồi đúng vị trí đó để giáo viên dễ điểm danh và nhớ được các em. Nhưng lâu dần chỉ cần nghe giọng nói là biết em nào ngồi chỗ nào. Giờ học bắt đầu bằng những câu đồng thanh “chúng em chào thầy ạ!” hoặc “chúng em chào cô ạ!”.
"Nhiều em đã nỗ lực hết sức mình, đã tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng rồi không biết làm việc ở đâu. Hiện nay, những nơi nhận những người khuyết tật như chúng tôi còn quá hiếm trong khi chúng tôi rất mong được sống bằng chính sức lao động của mình”. Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh |