Thấy gì từ vụ tượng Trịnh Công Sơn ở Huế gây tranh cãi?

TPO - Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trưng bày ở Huế với mong muốn tri ân những đóng góp của cố nhạc sĩ dành cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và cho Huế nói riêng. Tuy nhiên sau khi khánh thành, bức tượng gây tranh cãi khi bị nhận xét không đúng tinh thần cố nhạc sĩ. 

Tượng Trịnh Công Sơn gây tranh cãi

Bức tượng nghệ thuật cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được khánh thành tại TP. Huế dịp cuối tháng 2. Đây là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của cố điêu khắc gia Trương Đình Quế do một doanh nhân tài trợ thực hiện, sau đó hiến tặng cho TP. Huế.

Bức tượng được đúc bằng đồng cao 1,7 m, rộng 1,6 m và dài 2,3 m. Khu vực đặt tượng được kiến trúc sư Hồ Viết Vinh và nhóm cộng sự phối hợp với Trung tâm Công viên Cây xanh Huế thiết kế, lắp đặt, kết hợp hài hòa với cảnh quan công viên đường Trịnh Công Sơn, ven bờ sông Hương.

Tượng được tạc với tư thế nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cúi xuống như đang nhìn vào trang sách, nhìn vào chính mình cùng cây đàn guitar quen thuộc của ông. Tuy nhiên, một số bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội sau đó gây nên những tranh cãi trái chiều.

Thấy gì từ vụ tượng Trịnh Công Sơn ở Huế gây tranh cãi? ảnh 1
Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt tại công viên đường Trịnh Công Sơn, ven bờ sông Hương.

Một số người cho rằng tạo hình tượng không giống cố nhạc sĩ. "Nhạc sĩ mang giày lười", "đàn guitar không dây", "dáng ngồi trông ngạo nghễ, ta đây không phù hợp tinh thần Trịnh"... là những chi tiết khiến bức tượng gây tranh cãi.

Gia đình khen đẹp

Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - trân trọng ý kiến trân trọng mọi ý kiến xung quanh tượng của cố nhạc sĩ, bởi đây đều là tình cảm mọi người dành cho nhạc sĩ.

Về chi tiết đôi giày lười của bức tượng, bà Trinh cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đi giày cột dây. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông vẫn mang giày lười. Về dáng ngồi được cho là “ngạo nghễ” của bức tượng, bà Trinh khẳng định đây là dáng ngồi quen thuộc của ông.

Thấy gì từ vụ tượng Trịnh Công Sơn ở Huế gây tranh cãi? ảnh 2
Vợ chồng bà Trịnh Vĩnh Trinh (trái) chụp ảnh kỷ niệm trong ngày khánh thành tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế.

“Anh Sơn khi ngồi một mình hay ngồi với bạn đều ngồi theo dáng này. Đây là dáng ngồi rất quen thuộc với gia đình và bạn bè”, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết.

Ở góc độ gia đình, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho rằng đây là một bức tượng đẹp, mô tả được phong thái của cố nhạc sĩ.

“Vẽ một bức tranh hay khắc một bức tượng không thể giống như chụp ảnh. Đây là bức tượng tôi cho rằng đẹp nhất về anh Sơn. Bức tượng do anh Trương Đình Quế - bạn thân thiết của anh Sơn - thực hiện. Có thể nói bức tượng đã bắt được thần thái của anh tôi”, bà Trinh nói.

Thấy gì từ vụ tượng Trịnh Công Sơn ở Huế gây tranh cãi? ảnh 3
Tượng Trịnh Công Sơn ở TP. Quy Nhơn bị chê nên phải tu sửa lại.

Đây không phải lần đầu, tượng Trịnh Công Sơn bị mang ra mổ xẻ, bàn tán. Trước đó, tượng Trịnh Công Sơn ở TP. Quy Nhơn cũng bị cộng đồng mạng chê nên phải chỉnh sửa.

Năm 2017, chân dung cố nhạc sĩ ở Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt phải cất đi, chờ làm lại sau khi gia đình ông cho rằng tượng có nhiều chi tiết sai lệch với nguyên mẫu.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định việc tạc tượng sau đó trưng bày ở khu vực công cộng phải rất cẩn trọng bởi một khi tượng được trưng bày, rất khó để tu sửa, hoặc cất đi.

"Thủ tục mỗi khi trưng bày tượng ở nơi công cộng cần phải có hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng, từ đó mới tính chuyện trưng bày. Nếu bị phản ánh nhiều quá lại phải cất đi, hoặc tu sửa nhưng chuyện cất đi không đơn giản, bởi để tượng xấu ở khu vực công cộng cũng không được", ông Lương Xuân Đoàn nêu.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét duyệt nghiêm túc, kỹ càng trước khi trưng bày tượng, đặc biệt ở những nơi công cộng.

Tin liên quan