Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số thanh niên nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới T.Ư cho rằng, khó khăn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi tư duy. Bên cạnh thay đổi tư duy, cần phải sẵn sàng sử dụng và làm chủ công nghệ để thúc đẩy phát triển sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh.

Ngày 24/12, T.Ư Đoàn tổ chức diễn đàn thanh niên nông thôn toàn quốc “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung – cầu”. Dự chương trình có Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc và Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2021.

Đẩy nhanh chuyển đổi số cho thanh niên

Phát biểu khai mạc diễn đàn, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn thông tin, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ gia đình.

Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số thanh niên nông thôn ảnh 1

Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Dương Triều

Thời gian qua, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế, chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP Việt Nam với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, 39,4% lực lượng lao động Việt Nam làm trong nông nghiệp…

Anh Cương cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân, mà nòng cốt là lực lượng thanh niên nông thôn là trung tâm.

Việc chuyển đổi số nông nghiệp được tổ chức Đoàn và thanh niên quan tâm, đã từng bước giúp thanh niên nâng cao năng suất, chất lượng, lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nhiều cơ hội cho thanh niên.

Tuy nhiên, theo anh Cương, hiện nay, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam nói chung và thanh niên nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị.

Việc thanh niên biết và ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung – cầu còn hạn chế; số lượng mô hình thanh niên ứng dụng chuyển đổi số chưa nhiều… Đặc biệt, việc phải “giải cứu nông sản” vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số thanh niên nông thôn ảnh 2

Các đại biểu trao đổi thông tin tại diễn đàn thanh niên nông thôn toàn quốc “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung – cầu”. Ảnh: Dương Triều

Từ thực tiễn đó, T.Ư Đoàn tổ chức diễn đàn nhằm cùng các chuyên gia, các nhà nông trẻ nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021 chia sẻ kinh nghiệm, và tìm ra giải pháp thúc đổi chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Muốn chuyển đổi số phải thay đổi tư duy

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, công nghệ là công cụ để đảm bảo chuyển đổi số nông nghiệp thành công; cần gắn mục tiêu chuyển đổi số với yêu cầu của thị trường trong kết nối cung – cầu. Các nhà nông trẻ cũng đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đạt hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số thanh niên nông thôn ảnh 3

TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương

Ông Hoàng Văn Duy, Giám đốc công ty Mekong Seafood cho rằng, đổi số là cuộc cách mạng lớn cần phải làm để phát triển. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào chuyển đổi số, quan trọng là lắng nghe thị trường trước, nhìn lại mình đang có gì để chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với thanh niên nông thôn có quỹ đất nông nghiệp lớn có thể thuê lại với chi phí rẻ; có đặc sản vùng miền; có thời gian đi học tập mô hình tốt, mới lạ; có thể liên kết hùn hạp với nhau để phát triển, chia sẻ lợi nhuận. Theo ông Duy, áp dụng chuyển đổi số phải đưa đến sản phẩm, dịch vụ đến thị trường một cách nhanh nhất, tốt nhất, và phải cạnh tranh được về chất lượng, giá cả…

Ông Duy cũng chia sẻ về những khó khăn trong chuyển đổi số đó là trình độ nhân sự phần lớn còn hạn chế. “Khi áp dụng chuyển đổi số ở công ty tôi phần lớn lao động phổ thông, lao động bằng tay; vì thế khi áp dụng công nghệ gặp nhiều lúng túng. Khó khăn nữa là truyền đạt công nghệ áp dụng đại trà trong doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng, người lao động không nắm hết được”, ông Duy nói.

“Sản phẩm trực tuyến khắc nghiệt hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống. Nếu chúng ta không chủ động sẵn sàng, thay đổi tư duy và tiếp thu cái mới để xử lý nhanh gọn các tình huống phát sinh trong quá trình tham gia chuyển đổi số thì chúng ta gặp nhiều rủi ro hơn”, TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Theo ông Duy, để áp dụng chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn, chúng ta phải triển khai từng bước đồng bộ để làm sao người lao động hiểu, học hỏi, tiếp thu được kiến thức và áp dụng được vào thực tiễn.

TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, khó khăn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi tư duy. Bên cạnh thay đổi tư duy, cần phải sẵn sàng sử dụng và làm chủ công nghệ để thúc đẩy phát triển sản phẩm.

“Sản phẩm trực tuyến khắc nghiệt hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống. Nếu chúng ta không chủ động sẵn sàng, thay đổi tư duy và tiếp thu cái mới để xử lý nhanh gọn các tình huống phát sinh trong quá trình tham gia chuyển đổi số thì chúng ta gặp nhiều rủi ro hơn”, TS. Đào Đức Huấn nói.

TS. Huấn cho biết, sẽ luôn đồng hành cùng T.Ư Đoàn đào tào kỹ năng chuyển đổi số trong thanh niên và thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên, nhất là các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đang được nhiều địa phương triển khai.

Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số thanh niên nông thôn ảnh 4
MỚI - NÓNG