Sáng 18/11, khu bếp bán trú của Trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại đỏ lửa. Từ 8h sáng, hơn 10 thầy cô đã có mặt, nhanh chóng phân chia công việc rồi bắt tay nấu bữa trưa 0 đồng. |
Khu bếp có 3 gian, được phân chia thành các khu vực: sơ chế, bếp nấu và chuẩn bị suất ăn. |
Ý tưởng về "Bếp ăn 0 đồng" được thầy giáo Trương Vĩnh Đặng (bên phải, giáo viên trường Tiểu học Tây Hồ) khởi xướng từ năm 2019. "Mô hình này đã được tổ chức rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy các trường tổ chức. Bởi vậy, đầu tiên, tôi vận động một nhóm các thầy cô cùng làm với mục đích chính đó là hỗ trợ những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, lan tỏa bài học về lòng tốt, gieo mầm thiện, sự sẻ chia trong lòng học trò", thầy Đặng nói. |
Ban đầu, thầy Đặng báo cáo với nhà trường và "mượn" bếp bán trú 1 ngày trong tháng để nấu những bữa trưa 0 đồng. Ban đầu, kinh phí đều do các thầy cô tự nguyện đóng góp. Sau này, mô hình bếp được lan tỏa, nhiều phụ huynh học sinh, nhiều cá nhân cũng biết đến và đóng góp kinh phí để duy trì bếp. |
Mỗi đợt, "Bếp ăn 0 đồng" chuẩn bị khoảng 200 đến 250 suất ăn trưa, gồm một phần bún (hoặc mì Quảng, bánh hỏi...) và một hộp sữa để phát cho những người nghèo, người bán vé số, lái xe công nghệ... có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí chuẩn bị cho mỗi đợt là khoảng 5 triệu đồng. |
"Nhà trường sẽ chủ động thời gian để tổ chức bếp phù hợp với lịch giảng dạy, công tác của các thầy cô. Sau 2 năm tổ chức và duy trì, "Bếp ăn 0 đồng" đã lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh, những người dân sống xung quanh khu vực trường... Ngoài giáo viên, nhiều phụ huynh học sinh, bạn bè, con cháu của các thầy cô cũng đến góp sức để chuẩn bị các phần ăn trưa", cô Trương Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Hồ, cho hay. |
Vì bếp bán trú của trường nằm ở tầng 3, nên sau khi chuẩn bị xong các phần ăn, các thầy cô phải đi bộ để tập kết phần ăn xuống sảnh, sau đó đẩy ra khu vực phát ở cổng trường. |
Đúng 10h30, tấm bảng quen thuộc "Phần ăn miễn phí - Ai cần thì nhận 1 phần, ai thấy ổn xin nhường người khác" được dựng ở khu vực cổng trường, bên cạnh chiếc bàn lớn đầy ắp các suất ăn được xếp gọn gàng. |
Những người bán vé số, phụ hồ, người khuyết tật... xếp hàng dài ngay ngắn trước cổng chờ đợi và lần lượt vào nhận các phần ăn trưa. Nhiều người xin phần cơm cho chồng, con, bố mẹ già ở nhà cũng được các thầy cô vui vẻ tặng thêm. |
Với những người khuyết tật, người già, người đi lại khó khăn... không tiện vào xếp hàng, các thầy cô sẽ mang từng suất ăn trưa đến trao tận tay. Trong sáng qua, ngoài các phần ăn trưa, các thầy cô cũng hỗ trợ thêm 50 ngàn đồng tiền mặt cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật... |
Được các đồng nghiệp cùng bán vé số giới thiệu, chị Trần Thị Minh Phương (50 tuổi, quận Hải Châu) có mặt từ 10h để chờ nhận phần ăn trưa. Nhận được phần mì Quảng gà cùng với một hộp sữa và 50 nghìn đồng tiền mặt, chị Phương xúc động: "Thời buổi dịch bệnh khó khăn, một phần ăn trưa 20 ngàn đồng đối với những người lao động như chúng tôi là rất quý giá. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng hướng thiện của các thầy cô". |
Nhận phần ăn trưa, chị Lê Thị Tuyết (54 tuổi, quê Quảng Ngãi) cẩn thận treo vào xe máy. "Một mình tui nuôi 2 đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học nên đỡ được đồng nào hay đồng đó. Phần mì này tui để lát nữa mới ăn, chứ ăn sớm chiều lại đói", chị Tuyết nói rồi nổ xe máy rồi tiếp tục rong ruổi khắp các con phố để mua ve chai. |
Thầy cô "xắn tay" nấu bữa trưa 0 đồng cho người khó. Clip: Giang Thanh |