Thắt chặt nguồn cung cổ phiếu

Thắt chặt nguồn cung cổ phiếu
Tín hiệu này được "bật lên" trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý để phát triển bền vững thị trường chứng khoán (CK).
Thắt chặt nguồn cung cổ phiếu ảnh 1

Ngân hàng (NH) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang làm các thủ tục để hủy đợt phát hành huy động thêm 932 tỉ đồng cổ phiếu của chương trình tăng vốn trong kế hoạch năm 2008.

Với giá bán 1,5 lần mệnh giá, Sacombank dự định huy động thêm ít nhất 1.400 tỉ đồng từ thị trường, nhưng nay kế hoạch này sẽ phải tạm gác lại.

Trước đó, một NH cổ phần cũng không được chấp thuận cho phát hành trên 50 tỉ đồng cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, chỉ được phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Giới NH cho rằng NH Nhà nước đang siết hoạt động phát hành gọi thêm vốn mới, chỉ cho phát hành cổ phiếu từ lợi nhuận và nguồn thặng dư bán cổ phần để trả cổ tức. 

Cũng mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các doanh nghiệp trực thuộc và Tổng công ty Ximăng VN phải kiểm soát việc phát hành chứng khoán (CK). Những người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát việc huy động vốn từ CK. Trong trường hợp phải phát hành thì phải báo cáo với bộ để nơi này và Bộ Tài chính lên kế hoạch phát hành, tránh ảnh hưởng chung đến thị trường CK.

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng đã phát đi tín hiệu tới đây có thể cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà không qua phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Diễn biến trên cho thấy có dấu hiệu các cơ quan chức năng đang thắt chặt nguồn cung CK ra thị trường.

Tín hiệu này được "bật lên" trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý để phát triển bền vững thị trường CK.

Trong đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng kế hoạch tổng mức chào bán CK hằng tháng theo tín hiệu thị trường để đảm bảo cân đối cung cầu, doanh nghiệp phát hành không đúng thủ tục sẽ bị đình chỉ phát hành...

Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc thắt chặt nguồn cung CK. Như  doanh nghiệp cần tăng vốn để tăng qui mô và năng lực tài chính. Thị trường đi xuống cần phải đưa nhiều hàng tốt để tạo lòng tin... Thế nhưng, có một thực tế là thời gian qua Nhà nước đã đưa nhiều hàng "xịn" vào thị trường như cổ phiếu Vietcombank, bia Sài Gòn, bia Hà Nội… nhưng thị trường đã bị bội thực. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá CK tụt dốc trong những tháng đầu năm.

Việc chấn chỉnh phát hành CK là cần thiết. Trước đây, các đợt bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp để ưu đãi người tài đôi khi là "tai họa" cho cổ đông khi một lượng cổ phần này được "bán phá giá”, dù đã có ràng buộc người được mua phải giữ cổ phần trong một thời gian nhất định.

Tương tự, các đợt phát hành tăng vốn liên tục cũng khiến nhà đầu tư choáng vì liên tục phải nộp tiền mua cổ phiếu, tạo áp lực làm giảm giá cổ phiếu. Và các đợt IPO hoành tráng đã góp phần nhấn chìm thị trường khi liên tục hút từ thị trường về mỗi đợt vài ngàn tỉ đồng...

Trong giai đoạn trước mắt, thắt chặt nguồn cung cũng là một tín hiệu tích cực cho thị trường CK.

Theo T.Tuyền
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG