Thắp sáng hy vọng cho gia đình liệt sỹ

Hoạt động tư vấn cho thân nhân liệt sỹ được Trung tâm MARIN triển khai ở nhiều địa phương. Ảnh: Trung tâm MARIN
Hoạt động tư vấn cho thân nhân liệt sỹ được Trung tâm MARIN triển khai ở nhiều địa phương. Ảnh: Trung tâm MARIN
TP - Bằng phương pháp thực chứng, điều chỉnh thông tin bia mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang, tư vấn trợ giúp thông tin cho thân nhân liệt sỹ, suốt từ năm 2013 đến nay Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (Trung tâm MARIN) đã khớp dữ liệu của hơn 3.567 phần mộ tại 26 tỉnh thành (điều chỉnh 623 phần mộ liệt sỹ).

Tìm thân nhân cho liệt sỹ

Trung tâm MARIN (Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, thuộc Bộ Tư pháp) được thành lập để tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin và các chính sách có liên quan đến liệt sỹ và phần mộ liệt sỹ. Xuất phát từ mong muốn “thêm một phần mộ liệt sỹ xác định được chính xác họ tên, nguyên quán, là bớt được nỗi đau cho một gia đình, thậm chí là một dòng họ”, Dự án “Khớp nối thông tin trên bia mộ tại các nghĩa trang liệt sỹ” được Trung tâm triển khai thực hiện từ những năm 2013. Trong khi, tại các nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước có rất nhiều phần mộ liệt sỹ khuyết thông tin như có tên hoặc thiếu tên, thiếu một hoặc toàn bộ thông tin để xác định chính xác nhân thân liệt sỹ… Việc khớp nối thông tin, dữ liệu đầy đủ để liệt sỹ trở về quê hương đánh dấu bước phát triển mới, thắp sáng hy vọng cho hàng nghìn gia đình đang mong muốn sớm tìm được hài cốt liệt sỹ đưa về quê hương.

Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm MARIN cho biết, phương pháp thực chứng mà Trung tâm áp dụng đã có trong Đề án 150 (xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin năm triển khai 2013) nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. “Xuất phát từ những lần quay lại chiến trường xưa, tiếp cận các nghĩa trang, rồi đến những lần đi tìm kiếm mộ liệt sỹ cùng với đồng đội ở Lào, chúng tôi nhận thấy việc khớp nối thông tin bia mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang bằng phương pháp thực chứng. Việc này được thực hiện theo quy trình ngược, khi có thông tin dữ liệu đầy đủ của liệt sỹ thì gửi thông báo cho gia đình”, Đại tá Hưng nói.

Theo Đại tá Hưng, với nguồn thông tin của hơn 900.000 liệt sỹ có nơi hy sinh, ngoài việc tư vấn trợ giúp thông tin miễn phí cho thân nhân liệt sỹ, giải mã thành công phiên hiệu đơn vị, Trung tâm tự bỏ tiền ra để tìm, khớp nối và điều chỉnh thông tin cho bia mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang và thông báo cách thức cho gia đình để nhận lại phần mộ, di dời về quê hương.

Thêm kênhtìm kiếm hài cốt liệt sỹ

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm MARIN cho biết, để thực hiện việc khớp nối thông tin, bước đầu Trung tâm phải thực hiện phân loại, sàng lọc theo hướng: Mộ nào có thông tin, thiếu thông tin và mộ trắng (không thuộc đối tượng), có đơn với cơ quan quản lý mộ, Sở LĐTB&XH địa phương để xác minh thông tin chính xác. Bước hai, Trung tâm sẽ khớp dữ liệu với danh sách liệt sỹ hi sinh trong chiến tranh (danh sách hơn 900.000 liệt sỹ hi sinh và mất tích). Cuối cùng, Trung tâm cho ra danh sách, phân loại gửi về các Sở LĐTB&XH hoặc Bộ Chỉ huy quân sự địa phương để phối hợp khớp nối.

Theo bà Hằng, khó khăn nhất  là phối hợp và tìm ra nhân thân vì đây là dữ liệu mật. Nếu gia đình có đơn gửi trung tâm, ủy quyền để Trung tâm thay mặt gia đình liên hệ với các cơ quan chức năng hoàn thiện chứng cứ (bao gồm bản sao trích lục, tìm chứng cứ và hiện thực chứng cứ bằng văn bản) thì việc cung cấp đầy đủ, các chính sách cho gia đình liệt sỹ được thực hiện rất thuận lợi.

Chị Hoàng Thanh Bình, có bố là liệt sỹ hi sinh tại Lào cho biết, trước khi tìm đến Trung tâm MARIN đã không dưới 5 lần đưa các cựu chiến binh nhờ tìm hài cốt liệt sỹ xưa rồi lấy mẫu xét nghiệm ADN nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng khi kết hợp với Trung tâm thì ngoài việc thu thập được những thông tin quý giá về người cha mà chị vẫn đau đáu tìm bao năm qua, thông qua đây, chị lại  giúp nhiều gia đình tìm được liệt sỹ quy tập về
quê hương…

Ông Hoàng Văn Giang, Phó Tổng thư ký Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, gia đình liệt sỹ có thể liên hệ với Trung tâm MARIN để được tư vấn thông tin liệt sỹ, các chính sách… Sau đó, thân nhân có thể chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan để tìm kiếm hoặc có văn bản ủy quyền (theo mẫu có xác nhận của chính quyền địa phương) để Trung tâm đại diện thu thập thông tin. Để đảm bảo quyền lợi và thông tin, văn bản ủy quyền sẽ kèm một hợp đồng dịch vụ ràng buộc có các điều khoản chặt chẽ, phạm vi trách nhiệm, sau đó được lập biên bản và hai bên lưu lại. Ngoài ra, tới đây, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam sẽ tổ chức các buổi tọa đàm và kiến nghị với các cơ quan quản lý về thông tin liệt sỹ, cũng như quy trình sao trích lục… tạo điều kiện giúp đỡ cho thân nhân trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.  

Nhiều địa phương không mặn mà

Ðại tá Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm MARIN cho biết, nhiều địa phương không để ý đến công việc của Trung tâm, thậm chí thờ ơ, không phối hợp. Ngoài ra, các dạng mộ liệt sỹ ở từng địa phương được quy tập khác nhau, nhiều mộ liền nhau nhưng trùng thông tin, thậm chí, việc liên hệ với thân nhân liệt sỹ nhiều khi bị gián đoạn vì họ không còn ở địa phương hoặc thay đổi chỗ ở.

MỚI - NÓNG