Thao tác Kim Thư

Thao tác Kim Thư
TP - Năm 1961, đoàn kịch nói Trung ương ở Hà Nội có thể nói đã nổi bần bật với vở kịch Nila - cô gái đánh trống của nhà viết kịch Nga Salynsky. 

Nghệ sĩ Nguyệt Ánh từ một diễn viên trẻ chưa mấy ai biết đã vang danh chỉ sau vài đêm diễn, từ đó vai Nila đã đóng chắc vào sự nghiệp của chị. Kịch bản hay, đạo diễn Ngô Y Linh là một tên tuổi lớn của sân khấu Việt Nam, một dàn diễn viên đáng mơ ước, một công chúng lý tưởng cho sân khấu nghệ thuật... đấy là lý do để vở kịch diễn được suốt hơn hai thập kỷ. Còn một lý do nữa để vở kịch gây tranh luận: lần đầu tiên trên sân khấu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, có cảnh Nila phải mặc bikini để nhảy trong một cuộc thử thách của quân báo phát xít Đức. Báo chí thậm chí còn bình luận theo lối của những năm ấy rằng để thực hiện thành công cảnh hầu như nuy này, Nguyệt Ánh phải có một tinh thần “hy sinh” rất lớn.

Có những điều không phải chính yếu, nhưng khi nhớ đến vở Nila, tôi hầu như nhớ ra ngay. Đấy là ngôn ngữ của chị hàng xóm, một nhân vật thứ. Chị hàng xóm này thuộc loại hay rình rập để ý, lắm mồm, hay đưa chuyện. Chị ta gọi anh kiến trúc sư đang theo đuổi Nila là “anh kiến trúc kỹ sư”. Nghệ sĩ Kim Thư đóng vai chị hàng xóm còn đẩy cái hài lên bằng một từ rất trớ trêu: Ôi, cái chuyện ấy rất là kinh khủng khiếp.

Nối liền hai từ. Kinh khủng và khủng khiếp. Ai mà nói năng như vậy bao giờ. Vừa cầu kỳ rắc rối vừa ngoa ngoắt. Cả nhà hát cười ầm lên, cha tôi xem tổng duyệt và kể lại như vậy. Từ đấy, khắp nơi, hễ muốn dùng từ kinh khủng hoặc khủng khiếp, người ta lại nhại câu của Kim Thư: kinh khủng khiếp. Mười năm sau công diễn, tôi lớn lên mới được xem Nila, thấy cả nhà hát vẫn cười bò ra. Nhưng qua hơn nửa thế kỷ, bây giờ tôi thấy dường như người ta đã quen tai với từ này, thậm chí có nhiều nhà báo còn dùng nó như một từ nghiêm chỉnh, trong văn cảnh không hề hài hước.

Ngay ở câu đầu bài này, tôi đã thao tác theo kiểu chị Kim Thư mà dùng từ nổi bần bật. Nổi bật mới đúng chứ. Một cái gì thật ấn tượng, trội hẳn lên, gây được chú ý giữa bao nhiêu cái bình thường. Bần bật là phó từ đi kèm với động từ, run chẳng hạn, rung chẳng hạn: run bần bật, rung bần bật. Ấy thế, khi nói một ca sĩ đang nổi bần bật là có hàm ý hài hước giễu cợt.

Những ngôn từ ban đầu để dùng cho vui, để châm chọc, dần dần quen tai quen mắt biến thành ngôn ngữ viết chính thức. Cao ngất ngưởng là một từ như vậy. Vốn dĩ nó là cao ngất. Trời xanh cao ngất mấy từng (lưu ý phân biệt ngất và ngắt: cao thì cao ngất, còn xanh thì xanh ngắt). Rồi trong ngôn ngữ nói hàng ngày, người ta nối vào đấy chữ ngất ngưởng. Cao ngất và ngất ngưởng biến thành cao ngất ngưởng. Thực ra ngất ngưởng là để chỉ trạng thái loạng choạng, lung lay, dễ ngã dễ đổ. Người say có dáng đi ngất ngưởng chẳng hạn. Cũng có khi không phải đang đi mà là có tí men, say say tây tây, nói năng ngất ngưởng. Muốn miêu tả một cái gì đó cao, nói cao ngất là đủ. Nói cao ngất ngưởng là có vẻ hơi đùa. Nhưng cái sự đùa nhiều có khi đã hóa ra thật, tôi thấy một số từ điển nhỏ thậm chí đã giải thích ngất ngưởng “là để chỉ sự vật ở độ cao”.

Tính thích dùng từ láy của người Việt đã được thỏa mãn nhiều, khi thao tác ngôn ngữ theo kiểu này. To thì chỉ việc nói là to. Thế rồi để nhấn, người ta nới rộng từ thành to tướng, to đùng. To như ông tướng, to như tiếng pháo nổ đùng. Quả pháo to gọi là pháo đùng, đối nghịch với quả pháo nhỏ gọi là pháo tép. Rồi cái thao tác nới rộng từ để nhấn để hài đã phát triển một bước: to tướng, thành to đại tướng. To đùng, thành to đùng đoàng.

Ở chỗ bạn bè người thân, để cho vui, hoàn toàn có thể tự chế ra những ngôn từ theo lối này. Muốn nói rằng mình cảm động trước việc bạn cho quà, có thể pha loãng chữ cảm động bằng một từ khác: Thật là cảm động đậy quá. Khi đã cảm động thì nhất định nó phải động đậy một chỗ nào đó trong người, ở trong tim chẳng hạn.

Cũng thế, có thể nói khi thấy một người đi xe máy lạng lách trên đường: Thật là nguy hiểm nghèo. Hoặc, nguy hiểm họa. Tất nhiên chỗ này không nên dùng ngôn ngữ đùa cợt.

Chỉ muốn nói rằng, dùng thao tác Kim Thư, người ta có thể nối dài danh mục từ láy, làm cho khẩu ngữ thêm phần vui vẻ. Ghê tởm lợm, phỉ báng bổ, tân kỳ quặc... Nhưng cũng nên phân biệt thận trọng khi đưa nó vào văn viết.

MỚI - NÓNG