Phản ứng lập tức là phì cười. Trời ơi, người dịch coi “cái bạt tai” là một cụm ba âm tiết tạo thành một danh từ. Và cái cụm ba âm tiết ấy muốn tùy tiện tống vào đâu cũng được. Theo cách nghĩ ấy thì “cái bạt tai” có thể tống vào đầu, vào mồm, vào vân vân.
Cũng là tát tai, cuốn Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ, NXB Hà Nội 2016 có hai câu:
- Mẹ tôi gặp và tát cho cậu ta một bạt tai (trang 122).
- Tát cho anh ta một bạt tai (trang 314). Nói cho chính xác thì phải là cho anh ta một cái tát tai hoặc cho một bạt tai.
Một người dịch khác, không bị nhầm lẫn giữa vị trí tai và mặt như phụ đề Tân Thủy Hử. Người này xác định chính xác vị trí, nhưng mà sự chính xác cũng gây ra tiếng cười: “Cháu viết đi và nhớ gạch đít ở dưới”. Ô hô hô, ngay lập tức có nhà thơ đã tức cảnh phê bình: Dặn dò hay thật là hay / Nếu không sẽ gạch đít ngay... trên đầu.
Có một cái tin trên báo về thành phố ấy thành phố nọ ở nước ngoài, mưa to làm ngập đường phố, người ta phải làm cây chắn đường để chặn xe cộ ngang qua, tránh rủi ro tai nạn. Một cái tin dịch đơn giản, nhưng chuyển ngữ thì lúng túng, thành ra có câu như thế này:
“Con đường bị đóng cửa vì ngập nước”.
Hai đầu đường làm gì có cửa mà đóng nhỉ. Viết cứ trơn tay, trôi tuồn tuột đi, có khi không kịp nghĩ.
Một cái tin khác nói về việc làm giả nước đóng chai ở một nước láng giềng, người dịch cũng loay hoay trong một khái niệm không chính xác. Đấy là loại nước lọc đóng chai hoặc đóng bình. Nhưng khi nói đến cái bình to đựng thứ nước ấy, thì viết là “bình nước đóng chai”. Vẫn trớ trêu như thế, khi nói đến những cái chai đựng thứ nước ấy, lại viết: “chai nước đóng bình”. Thật là hết chỗ để bình luận.
Sang lĩnh vực văn hóa văn nghệ, gặp ngay một cái tin: “Phim nhạc kịch Ryan Gosling, Emma Stone đóng mở màn Liên hoan phim Venice”.
“Phim nhạc kịch” là khái niệm không chính xác. Phim là phim mà kịch là kịch. Trong phim có thể có kịch tính, nhưng phim vẫn là phim. Viết như thế chỉ có thể hiểu đây là loại phim quay một vở nhạc kịch đang diễn tại sân khấu.
Còn loại phim Musical mà bạn đang tìm khái niệm tương ứng trong tiếng Việt để dịch thực ra là phim ca nhạc, là loại phim truyện có pha trộn những bài ca do các nhân vật hát lên, một thể loại phim khá được ưa chuộng ở Âu - Mỹ, đặc biệt là ở Ấn Độ.
Cũng chỉ trong một cái tít báo không dài mà có thêm một cụm từ dễ gây nhầm lẫn, xin nhắc lại: “Phim nhạc kịch Ryan Gosling, Emma Stone đóng mở màn Liên hoan phim Venice”. Cái màn sân khấu được mở ra để bắt đầu một chương trình, ở đây được dùng để nói cái ý: khai mạc hoặc bắt đầu liên hoan phim Venice. Nhưng chữ “đóng” của cụm từ trước lại vô ý đặt cạnh chữ “mở màn” của cụm từ sau, gây ra thắc mắc: vừa đóng màn lại vừa mở màn được hay sao? Người dịch chỉ cần dừng lại một tí, nghĩ lại một tí, rồi sẽ tìm được cách xoay chuyển câu văn cho sáng rõ hơn.
Màn trình diễn: một trận đấu bóng đá, một cuộc thi tài thể thao, thi công nghệ thông tin... có cái màn sân khấu nào đâu, thế mà cũng theo mốt, gọi nó là “màn trình diễn tuyệt vời”.
Đang nói chuyện phân biệt cho rõ ràng đâu là phim đâu là kịch, lại nhớ nhiều báo bây giờ còn không phân biệt được tranh với ảnh. Giới thiệu một số bức tranh kinh điển, vậy mà cứ xưng xưng viết rằng trong ảnh này bạn sẽ thấy dấu hiệu của một thiên tài hội họa.
Cũng trong hội họa, có khái niệm phiên bản, là để chỉ những bản sao chép từ bản gốc. Khái niệm này có thể mở rộng sang một số bản sao tác phẩm nghệ thuật nói chung. Nhưng bây giờ có cái mốt dùng từ phiên bản trong mọi trường hợp, dùng tràn lan đến mức gây khó chịu.
Sự kiện xảy ra ở giải vô địch với phiên bản mới có tên ISC (thực ra có thể dùng từ đúng hơn: đó là một giải vô địch với “hình thức mới”, với một “cái tên mới”, hoặc đó là một “giải vô địch mới” mang tên ISC chẳng hạn.
“Tôi sẽ tự tay sản xuất một phiên bản châu Á khác hẳn với phiên bản Mỹ” (Thành Long - chưa lớn đã già, trang 194, An Lạc group dịch, NXB Văn Học và Huy Hoàng, 2016). Chỗ này cần lưu ý: bộ phim Mỹ là phim gốc, không phải phiên bản.
Phim = kịch, tranh = ảnh, bản gốc = phiên bản, rồi không biết sẽ có thêm những đẳng thức nào nữa.