Khố

Khố
TP - Đấy là vài câu gây băn khoăn ở cuốn Cô gái trong trang sách, tiểu thuyết của Guillaume Musso, Huy Minh dịch, xuất bản năm 2015:

- Cô được thăng cấp với tốc độ chóng mặt: ban đầu là sĩ quan, rồi điều tra viên và mới đây vài ngày là lon trung sĩ (trang 68).

Từ sĩ quan mà xuống trung sĩ thì phải gọi là bị giáng cấp, không phải là “thăng cấp” như câu văn khẳng định. Người dịch nên xem lại câu này để sửa cho chính xác.

Một câu nữa:

- Đề nghị với cô bạn nối khố (trang 226).

Câu này có thể gây cười. Thông thường, cái khố được hiểu là chỉ có đàn ông dùng, hầu như thế. Trang phục cổ trên trống đồng, trên hoa văn các dân tộc còn lưu lại hình đàn ông quấn khố, đàn bà mặc váy. Bạn nối khố, thường là chỉ tình bạn giữa đàn ông với nhau. “Cô bạn nối khố” thì nghe rất lạ.

Nhân chuyện, cũng lạ như việc có nhà báo đã hạ một câu “thời của những chanh cốm” khi viết về tình bạn của ba anh chàng học sinh. Cũng buồn cười. Ngược với “nối khố”, “chanh cốm” lại là cách nói về đám con gái mới lớn. Cái ngực mới nhú, chỉ mới như quả chanh cốm, chứ chưa
tròn đầy.

Trở lại chuyện cái khố. Đấy có lẽ là trang phục đơn sơ nhất của đàn ông. Không nói thời nguyên thủy hoặc trong các bộ lạc, khi trang phục con người đã khá đầy đủ, nhiều người nghèo vẫn phải dùng khố. Người trẻ bây giờ nếu chưa biết cái khố, chưa nhìn thấy cái khố trong phim hoặc trong truyện tranh về thời cổ, có thể hình dung rằng nó hơi giống cái bỉm em bé.

Cái khố để che phần thân dưới cũng thay đổi theo tiến hóa của nhân loại. Ban đầu chưa phát minh ra vải, nó có thể làm bằng vỏ cây, hoặc bện tết lại từ cỏ, rơm rạ. Trong tiếng Anh, người ta gọi nó là loincloth, tức là tấm vải để che ở phần dưới. Như vậy là văn hóa châu Âu cũng chưa hình dung được đầy đủ về cái khố. Khố, đâu chỉ làm bằng chất liệu vải.

Thời xưa, nhiều người quần là áo lượt, ấy thế mà cũng nhiều người chỉ có cái khố. Khốn khổ hơn, đồ “khố rách áo ôm” là câu mắng chửi người nghèo. Đến mức khốn cùng, còn gọi là hạng “khố dây”, nghe đâu nó không ra cái khố, mà chỉ ở mức mấy sợi dây bện lại với nhau. Tệ hơn nữa là tình trạng “mình trần khố chuối”, nghèo đến mức không có nổi tấm vải làm khố mà phải bện khố bằng sợi dây chuối khô.

Cái khố liên quan đến một câu chuyện tình oái oăm bậc nhất. Chàng Chử Đồng Tử nhà nghèo, cha chàng và chàng chỉ có một cái khố chung nhau, người nào ra đường thì mặc khố, người ở nhà phải chịu trần trụi toàn thân. Người cha mất, chàng Chử không nỡ mai táng cha trần trụi nên nhường cái khố cho người chết.

Rồi gặp buổi đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đi qua bến sông, Chử ta đang khỏa thân, hoảng quá phải vùi mình xuống cát để trốn. Ngờ đâu công chúa quây màn tắm đúng chỗ ấy, nước trôi cát đi, để lộ anh chàng Chử trần trùng trục. Ấy thế là phải duyên nhau, họ thành vợ thành chồng.

Nhà thơ Thái Bá Tân, khi viết bài thơ vui về việc truy cứu trách nhiệm của một số nhân vật đã về hưu mà vẫn cần phải cách chức, đã hạ cánh mà người ta không thể để cho an toàn, có đùa về câu chuyện cái khố của chàng Chử: “Đồng chí Chử Đồng Tử/ Tắm truồng, trêu đàn bà/ Phạm tội phá mỹ tục/ Và thuần phong nước nhà”. Đồng chí này cũng phải cách chức.

Ca dao cổ cũng có bài nhắc đến cái khố, xin chép ra đây để người đọc cùng nhớ lại:

“Đồn rằng quan trạng có danh/ Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai/ Vua khen quan tướng có tài/ Ban cho cái áo với hai đồng tiền/ Đánh giặc thì chạy trước tiên/ Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra/ Giặc sợ, giặc chạy về nhà/ Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân”.

Hồn nhiên ngây thơ theo kiểu một bài đồng dao dí dỏm, xem cái cách đánh giặc vừa như đánh trận giả của con trẻ, lại vừa thật hiểm. Cũng chuyện xưa kể, có lần đội quân nữ binh của Bà Triệu phải bỏ chạy trước đòn hiểm của quân thù phương Bắc, khi chúng xua vào trận một đám đàn ông mình trần như nhộng, không một tấc khố. Thế thì cái vụ cởi khố giặc ra trong bài ca dao trên là đòn phản công của quân ta, là ăn miếng đã trả miếng vậy. 

MỚI - NÓNG