Thành tội phạm do mất đất trồng rừng

Thành tội phạm do mất đất trồng rừng
TP- Rừng bị phá, tranh nhau đất rừng, bất ổn xã hội xuất hiện. Đó là tình hình đã và đang diễn ra rất phức tạp ở xã Đắc Ơ, 0Phước Long, Bình Phước.

Xã Đắc Ơ cách thị trấn huyện lỵ Phước Long 35km, trước kia giữa rừng đại ngàn, nay giữa vùng núi trọc vì rừng đã bị phá sạch.

Năm 2004, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước phê duyệt thiết kế trồng rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Ơ, trùm lên hàng trăm hécta đất sản xuất của bà con.

Khu đất sản xuất của bà con thôn 4, xã Đắc Ơ được trồng rau màu, sau đó trồng điều (đào lộn hột). Khi có quyết định phê duyệt trồng rừng, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thống kê cây cối tài sản của dân, chưa có phương án đảm bảo đời sống cho dân, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Ơ đã tổ chức chặt hết cây điều của bà con, lấy đất cấp cho cán bộ nhân viên để trồng lại... điều, cao su.

Một số cán bộ còn đem đất bán. Mấy năm đầu, dân thôn 4 vẫn được trồng lúa trên đất cũ, sang năm 2006 các chủ mới đuổi bà con.

Bất bình vì bị lấy mất đất sản xuất, sáng 20/4/2006 hàng chục người dân thôn 4 vác dao chặt hết cây trồng trên đất cũ của họ. Vụ án “hủy hoại tài sản” được khởi tố. “Kết quả khám nghiệm hiện trường” xác định có 66 ha cây bị chặt, thiệt hại tổng cộng 328.200.000 đồng.

Viện KSND tỉnh Bình Phước có 2 bản cáo trạng vào ngày 19/11/2007 và 9/9/2008, chuyển TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm nhưng đến nay chưa xử được, qua 3 lần hoãn.

Thành tội phạm do mất đất trồng rừng ảnh 1
Huyện Phước Long có kế hoạch bố trí 400 ha đất sản xuất cho bà con nhưng cách nơi ở của bà con 10 – 30 km

Còn ở ấp Bù Ka, xã Đắc Ơ xảy ra vụ án “chống người thi hành công vụ”, truy tố 7 người và đến nay cũng chưa xử được qua nhiều lần hoãn.

Diễn biến vụ án như sau, được tin đoàn cưỡng chế thu hồi đất của huyện Phước Long sẽ đến ngày 13/5/2006, những người nông dân bàn cách chống trả.

Kết luận điều tra của Công an huyện Phước Long cho biết: Trên đường đi thì xe ô tô bị cán phải chông do một số người dân đặt dọc đường làm thủng bánh xe. Khi tới khu vực cưỡng chế phát hiện những người này tụ tập, dùng cây, gỗ, dao, đá, ná thun, súng nước…đứng ra cản đường và xông vào tấn công đoàn cưỡng chế nhằm mục đích ngăn cản không cho thu hồi đất.

Lực lượng bảo vệ buộc phải giải tán đám đông và bị một số đối tượng chống trả quyết liệt, dùng hung khí tấn công làm 4 đồng chí bị thương.

Bao giờ yên ổn để phát triển?

PV Tiền Phong gặp ông Phạm Quang Lý, Phó văn phòng UBND huyện Phước Long, phụ trách khiếu nại tố cáo và đang làm các công tác chuẩn bị cho UBND huyện đối thoại với dân nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Ông Lý nói: Quản lý rừng đã “ăn” hết rừng, đến “ăn” đất nên mới sinh chuyện. Một số đơn vị, cá nhân được giao đất trồng rừng đang bị dân khiếu kiện phức tạp như Cty 27/7 ở TP Hồ Chí Minh với 100 ha, bà Vương Kỳ L. với 50 ha…

Huyện Phước Long có kế hoạch bố trí 400 ha đất sản xuất cho bà con nhưng cách nơi ở của bà con 10 – 30 km và cũng đang bị người dân tại chỗ tái lấn chiếm nên chưa thành công. Huyện vận động những doanh nghiệp và cá nhân đã nhận diện tích lớn đất trồng rừng chia sẻ với bà con để ổn định cuộc sống cho bà con, nhưng bị từ chối.

Cuộc sống của hàng trăm hộ dân mất đất sản xuất, mấy năm nay phải làm thuê làm mướn nên rất khó khăn.

Lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH huyện Phước Long cho biết, huyện Phước Long đang có nhiều hộ đói, năm nào cũng phải cứu trợ. Năm 2006 cứu trợ 1.325 hộ với 5.963 khẩu, năm 2007 cứu trợ 713 hộ với 3.162 khẩu, năm 2008 đang chuẩn bị cứu trợ 852 hộ với 3.741 khẩu.

Số tiền cứu trợ năm 2008 dự kiến là 1.152 triệu đồng, trong đó xã Đắc Ơ đông nhất với 99 hộ, 284 khẩu. Tiêu chuẩn cứu trợ: Mỗi nhân khẩu một tháng 15kg gạo, cứu trợ nhiều nhất là 3 tháng.

Ông Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, thành viên Ban pháp chế HĐND tỉnh Bình Phước cho biết, huyện Phước Long đang xảy ra án hình sự nhiều nhất tỉnh Bình Phước. Tội phạm chủ yếu về an ninh trật tự xã hội. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm, nhưng đói nghèo luôn là một nguyên nhân hàng đầu.

MỚI - NÓNG