Thành phố ngàn năm thuê người kể chuyện mình

Phối cảnh Bảo tàng Hà Nội
Phối cảnh Bảo tàng Hà Nội
TP - Không phải người Hà Nội, không phải người Việt Nam; rốt cuộc, người New Zealand được chọn mặt gửi vàng để kể câu chuyện về Thăng Long ngàn năm văn hiến. PV Tiền Phong trao đổi với PGS-TS Phạm Mai Hùng, Trưởng ban cố vấn Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN xung quanh vấn đề này.
Phối cảnh Bảo tàng Hà Nội
Phối cảnh Bảo tàng Hà Nội . Ảnh: Phạm Yên

Câu chuyện ngàn năm của người Việt, lại phải mượn người New Zealand kể. Vì sao, thưa ông?

Đó là lựa chọn của Thành phố. Tôi chỉ tham gia nội dung. Hà Nội xin ý kiến Bộ VHTTDL, Bộ trả lời chưa có đơn vị chuyên môn nào của Bộ có thể thiết kế trưng bày một công trình hiện đại như Bảo tàng Hà Nội. Bộ không làm được thì chắc không đơn vị nào trong nước làm được.

Chúng ta chưa hề đào tạo đội ngũ trưng bày nội thất bảo tàng. Những công trình mọi người coi được, hấp dẫn đều có đóng góp của nước ngoài. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có đóng góp trí tuệ của các bạn Pháp. Bảo tàng Hồ Chí Minh với kiểu trưng bày rất hiện đại và tri thức, mang dáng dấp Liên Xô.

PGS-TS Phạm Mai Hùng, Trưởng ban cố vấn Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Trưởng ban cố vấn Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN.

Sắp tới đây, trưng bày kết quả khai quật Hoàng thành Thăng Long cũng có đóng góp của Pháp. Một số bảo tàng lớn tuy cố gắng nhưng cách trưng bày vẫn cổ điển, nghiêng về phô trương sự dày đặc của hiện vật quý, tính nghệ thuật chưa cao.

Một chuyên gia bảo tàng như ông không ấm ức chút nào về chuyện phải thuê đối tác nước ngoài?

(Cười) Không phải tôi bi quan về trình độ trong nước. Nhưng đúng là mình chưa quen làm những công trình lớn. Đừng nghĩ như thế là không tạo điều kiện cho anh em. Ưu tiên lớn nhất là công trình chí ít phải được vài chục năm không lạc hậu. Tiền đầu tư lớn lắm, cứ cố làm theo lối mòn, làm không tới là có tội đấy.

Ông tin nhà thầu New Zealand làm sẽ “tới”?

Ý tưởng của họ nhiều cái hay. Việc trưng bày Bảo tàng Hà Nội cố nhiên dựa trên các sưu tập hiện vật nhưng để thể hiện nó, họ bắt đầu từ câu chuyện tổng thể: “Chuyện kể về một thành phố lớn”. Một thành phố có điều kiện tự nhiên rất đặc trưng, nổi bật là sông, hồ. Nơi người Việt cổ có mặt rất sớm, tạo nên nền văn hóa của Hà Nội.

Hình tượng sông Hồng và các nhánh sông được nhà thiết kế New Zealand thiết kế như là những con đường dẫn ta đến các gian trưng bày. Như là đi vào các con đường của Hà Nội, để nghe các câu chuyện. Các chuyên đề bổ trợ cho các câu chuyện đó. Bên cạnh chuyện của người Việt còn có người Hoa, các dân tộc thiểu số. Câu chuyện giao thương, buôn bán được bổ trợ bằng bộ sưu tập tiền cổ.

Phần nội thất tràn đầy ánh sáng và âm thanh, tiếng chợ búa, rao quà vặt, tàu điện… Họ sử dụng nhiều yếu tố đa phương tiện, tranh tầng sâu, máy chiếu liên hoàn hiện đại bổ trợ cho hiện vật, giúp người xem có cảm giác sinh động.

Ý tưởng hấp dẫn vậy, nhưng hiện thực tới đâu thì chưa biết. Chỉ biết là Bảo tàng Hà Nội chắc chắn không thể hoàn thiện trưng bày trong dịp đại lễ.

Sự muộn màng này đã được các nhà khoa học dự đoán, chỉ có công chúng bất ngờ, thưa ông?

Chưa phải là thông báo chính thức. Tôi dự đoán thế. Vì đến giờ phương án thiết kế trưng bày còn chưa được phê duyệt, làm sao kịp được? Bình thường, để hoàn thiện phải mất 5 năm. Một hiện vật đưa ra trưng bày, phải lấp đầy mười mấy tiêu chí trong phiếu hiện vật. Mất công lắm! Trưng bày không có nghĩa chỉ đặt hiện vật ra đấy đâu.

Vậy, du khách sẽ xem gì tại công trình lớn nhất để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long dịp đại lễ?

Vẫn sẽ mở cửa đón khách. Nhưng có lẽ du khách chỉ được xem triển lãm các hiện vật. Có nhiều bộ sưu tập rất hấp dẫn, quý hiếm, chẳng hạn bộ sưu tập bằng đá của văn hóa Sơn Vi, chứng minh sự phát triển liên tục của HN từ thời kỳ đồ đá cũ sang thời kỳ đồ đá mới. Đặc biệt, bộ sưu tập lưỡi cày đồng là số 1 của nước ta hiện nay. Rồi sưu tập trống đồng, đẹp nhất là trống đồng Cổ Loa.

Nhìn chung, phần thẩm mỹ chưa có gì đáng kể. Phải nói thế để du khách không hụt hẫng khi tham quan, không thắc mắc sao công trình 1.000 năm, câu chuyện 1.000 năm lại chỉ thế này?

Được biết, Bảo tàng Hà Nội hiện có 50.000 hiện vật. Theo ông, con số này đã đủ cho câu chuyện 1.000 năm?

Xem ra đây không phải số ít, cũng không phải số nhiều. Trong trưng bày bảo tàng thì nhiều chưa chắc đã đủ, vì có hiện vật không thể trưng bày được, do hư hỏng hoặc không tương thích phong cách trưng bày của bảo tàng. Cho nên tôi nghĩ 5 vạn hiện vật chưa đủ để khỏa lấp những nội dung chính của câu chuyện nghìn năm. Vẫn phải sưu tầm tiếp. Như trao đổi với các viện khoa học tự nhiên để lấy các mẫu vật thể hiện tiềm lực tự nhiên của Hà Nội. Rồi tổ chức phát động hiến tặng hiện vật.

Chỉ sau 1 tháng phát động, bảo tàng thu được 3.000 hiện vật, giờ chắc là hơn. Qua nguồn cung cấp của công an văn hóa thu giữ tang chứng của các vụ buôn bán cổ vật bất hợp pháp, có được gần 2.000 hiện vật phần lớn là gốm sứ của VN và Nhật, Trung Quốc, rất đẹp và quý. Gần đây, Công an Hà Nội thu giữ được một trống đồng đường kính lớn nhất, tới 1m45, niên đại trên 2.000 năm, sắp bàn giao cho Bảo tàng.

Tranh cãi quanh câu chuyện rồng thật hay rồng ảo

Chuyên gia New Zealand cho rằng linh hồn của bảo tàng là hình tượng con rồng. Họ dự định làm một con rồng y như thật đặt vào trục hình trôn ốc nối liên hoàn từ đại sảnh lên tới nóc bảo tàng. Rồng sẽ là tác phẩm điêu khắc có thể chuyển động nhờ các phương tiện kỹ thuật.

Trong khi đó, các nhà khoa học trong nước cho rằng hình tượng rồng quá quen thuộc với người Việt. Chỉ nên làm con rồng bằng ánh sáng, thiết bị 3D. Là con rồng ảo, rồng của truyền thuyết nên phải thoắt ẩn, thoắt hiện. 

MỚI - NÓNG