Thành phố bốn thập niên

Thành phố bốn thập niên
TP - Có một bà chị con bác ruột, chỉ nghe tên, không biết mặt, bặt tin mấy chục năm trời, trở lại thăm quê. Tiện có những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tôi đưa chị đi thăm Sài Gòn, những nơi xưa từng có nhiều kỷ niệm, thăm một số người bà con.

Đi đâu chị cũng hỏi, cuối cùng chị nhận xét: Sài Gòn giờ thay đổi nhiều quá, nhận không ra.

Đúng là khó cho chị nhận ra khi rời Sài Gòn vài năm sau ngày thống nhất, mấy chục năm sau chị mới có dịp trở về. Sài Gòn trong ký ức chị là một đô thị nhỏ, tầm 2 triệu dân, với những con đường dài, thẳng tắp, được che mát bởi hai hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi cao vút.

Những dãy nhà phố 3 tầng lầu được trang trí bằng đá rửa thời thượng, còn tồn tại mãi tới những năm đất nước cải cách mở cửa.

Những con kênh “đen” thối hoắc ngày nay thời đó trẻ con còn nhảy cầu tắm, đồng thời là nguồn thực phẩm, rau, cá, tôm cho không nuôi sống gia đình.

Sau bảy lăm, đất nước thống nhất, cuộc đổi thay vĩ đại đôi khi tạo ra những cú sốc. Đó là những ấu trĩ trong quản lý kinh tế, tình trạng ngăn sông cấm chợ, khiến đại bộ phận người dân Sài Gòn đô thị lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều người tính chuyện “ra đi”. Chị và hai con nằm trong số những người đó.

Những năm ấy Sài Gòn tiêu điều nhưng nội lực dường như nén lại chứ không mất đi. Để đến khi chính sách đổi mới, cải cách kinh tế tràn về, người Sài Gòn năng động lại đi đầu trong hoạt động phát triển kinh tế.

TP Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều, dân số lên tới 7-8 triệu người, GDP đứng đầu cả nước. Nhiều nơi xưa kia là ngoại thành, chằng chịt sông rạch, sình lầy ngập tới bụng khách thương hồ, mọc bạt ngàn dừa nước, cây dại nay đã biến thành phố thị khang trang.

Trước đây Sài Gòn lác đác cao ốc, gọi là cao ốc nhưng cũng chỉ trên dưới chục tầng, nay đứng trên cao thấy cơ man nào cao ốc, nhiều tòa chọc trời, hiện đại.

Trước đây bắc qua sông Sài Gòn chỉ có mỗi cây cầu Sài Gòn, Bình Triệu, nay thêm hàng loạt cây cầu to hơn, đã, đang và sẽ xây dựng: Bình Triệu 2, Thủ Thiêm, Sài Gòn 2, Bình Lợi. Đặc biệt, hầm sông Sài Gòn đã thông xe được coi là biểu tượng phát triển mới của thành phố.

Theo chị, Sài Gòn trước bảy lăm cũng đã là một đô thị hoa lệ, nhưng không nhiều màu sắc và lộng lẫy như bây giờ. Song bên cạnh những cái được, cũng khá nhiều cái mất đi.

Sài Gòn xưa có nhiều con đường, nhiều cây xanh, ít xe cộ, nữ giới mặc áo dài đi làm, đi học nên mang lại cảm giác thơ thái thanh bình. Nay những con đường cũ, cây xanh vẫn còn đó, nhưng phố xá phình to, lấn át, những con đường mới mở thiếu bóng cây, ồn ào, bụi bặm, xô bồ.

Xe máy, ô tô quá nhiều, giao thông hỗn loạn, chạy lấn vỉa hè, kẹt xe kinh niên. Các dòng kinh xanh ngày xưa đều “chết” do hậu quả của việc ưu tiên phát triển kinh tế bất chấp hậu quả ô nhiễm môi trường.

TP Hồ Chí Minh hôm nay dường như không có khái niệm “dân Sài Gòn gốc”. Ai sống ở đây đều có quyền xưng mình là dân Sài Gòn, nếu muốn và cũng không thấy ai phản bác.

Thời của chị còn phân biệt Bắc – Nam. Sau ngày thống nhất vẫn còn người Bắc người Nam, còn chút gì đó e dè, ngại ngùng. Đến nay, sau 37 năm thống nhất thì không cảm thấy gì nữa, như chưa từng có và có lẽ trong thẳm sâu mỗi con tim người dân, bất kể là ai sống trên mảnh đất Sài Gòn - TPHCM này không hề tồn tại cảm giác phân biệt kẻ Nam người Bắc, vì ai cũng thấu hiểu tất cả cùng chung một cội, cùng góp sức dựng xây thành phố của tiền nhân ngày một văn minh, to đẹp hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG