'Thần đồng' khóc ròng vì được... mua nhà giá rẻ

'Thần đồng' khóc ròng vì được... mua nhà giá rẻ
Cậu bé dân tộc Tày (huyện Định Hoá, Thái Nguyên) Hoàng Thân với hàng loạt thành tích nổi bật đã được UBND thành phố Hà Nội ưu đãi cho mua một căn nhà ở xã hội (thu nhập thấp).

'Thần đồng' khóc ròng vì được... mua nhà giá rẻ

Cậu bé dân tộc Tày (huyện Định Hoá, Thái Nguyên) Hoàng Thân với hàng loạt thành tích nổi bật đã được UBND thành phố Hà Nội ưu đãi cho mua một căn nhà ở xã hội (thu nhập thấp).

Nhưng hiện tại, quá thời hạn đóng tiền đợt hai mà gia đình “thần đồng” vẫn chưa biết xoay xở đâu ra…

Bức ảnh cậu bé Hoàng Thân chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2005, sau khi đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo trẻ toàn quốc. ( Ảnh chụp lại )
Bức ảnh cậu bé Hoàng Thân chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2005, sau khi đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo trẻ toàn quốc. (Ảnh chụp lại).

Phần thưởng đặc cách

Câu chuyện về cậu bé “thần đồng” người Tày này cách đây bảy năm đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Năm 2003, khi mới ba tuổi, Thân đã có thể đọc chữ vanh vách. Không chỉ là bảng chữ cái in khổ lớn, hay những quyển truyện tranh trẻ nhỏ in chữ to, mà ngay cả những dòng chữ nhỏ in trên các loại vỏ bao, Thân cũng đọc dễ dàng.

Phát hiện khả năng đặc biệt của Hoàng Thân, người bạn chiến đấu năm xưa của ông ngoại cậu bé là ông Cung Văn Hoá xin gia đình cho mang cháu bé xuống Hà Nội để lo cho cháu phát triển.

Tài năng của Hoàng Thân đã gây kinh ngạc khi năm 2005, tại cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”, một cậu bé mới năm tuổi, chưa hề đi học, lại đoạt giải đặc biệt với sản phẩm mô hình Học toán thông minh. Mô hình ấy được Thân sáng tạo từ những vỏ thuốc ông Hoá bỏ đi sau khi uống.

Hình ảnh em bé lon ton lên nhận giải đã khiến cho bà thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Huỳnh Mai ngạc nhiên, và đích thân bà thứ trưởng đã đặc cách cho Thân vào học lớp 1.

Sau đó, cậu bé này một lần nữa gây sửng sốt khi trong hai ngày đã vượt ba lớp. “Buổi sáng cháu được nhận vào lớp 1, nhưng buổi chiều cháu đã vượt qua mọi bài kiểm tra chương trình lớp 2, và sáng hôm sau thì cháu được vào lớp 3”, ông Hoá nhớ lại. Năm nay, Thân học lớp 8 trường trung học cơ sở Đại Kim, Hà Nội.

Căn phòng trọ chừng 16m2 sâu hun hút trong một con ngõ phố Định Công Hạ là nơi sinh hoạt của ba con người, ba thế hệ: hai mẹ con Hoàng Thân và người bạn thân đã 80 tuổi của ông ngoại Thân – người đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của cháu và đưa cháu từ miền núi rừng Định Hoá về thủ đô.

Trong nhà treo chi chít chừng 40 bằng, giấy khen, các mô hình từng giúp Thân đoạt giải. Đặc biệt trang trọng là bức ảnh Thân được chụp riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo giữa căn phòng.

“Lúc đầu, cháu nó ở nhà các con tôi. Sau này, chị Tửu (mẹ của Thân) được giám đốc công ty dược phẩm Traphaco, cũng là một mạnh thường quân của cháu – nhận về Hà Nội làm việc để có điều kiện chăm sóc cháu.

Căn nhà của tôi trên phố Hàng Bồ cũng chả rộng rãi gì, hai vợ chồng già, thêm vợ chồng hai đứa con, rồi cháu nội, sáu người chen chúc trong 18m2, thêm mẹ Thân nữa thì khó quá, nên hai mẹ con cháu chuyển ra ngoài ở trọ”, ông Hoá kể.

Tuy nhiên, thu nhập mỗi tháng của người mẹ – một lao công tạp vụ, chỉ 2 triệu đồng không đủ lo tiền ăn, tiền nhà, nên ông Hoá quyết định thuê một căn phòng, dọn ra ngoài sống cùng hai mẹ con, góp thêm đồng lương hưu trí 3,7 triệu đồng/tháng, thay người bạn chiến đấu bảo bọc hai mẹ con chị Tửu.

Năm 2010, thấy Hoàng Thân phải sống trong căn phòng trọ chật chội, Trung ương hội Khuyến học Việt Nam làm đơn đề nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ về nhà ở và được thành phố đặc cách cho mua nhà thu nhập thấp.

Đấu giá ảnh chụp chung với Đại tướng

Ông Phan Hùng, trưởng ban Phong trào của Trung ương hội Khuyến học Việt Nam, người làm hồ sơ xin nhà cho Hoàng Thân, kể: Ngày đó, chúng tôi cũng tính xin cho cháu một căn hộ, nhỏ thôi. Nhưng hỏi đi hỏi lại, các ngành bảo cũng chỉ là thần đồng, chưa có đóng góp gì đặc biệt, nên xin nhà luôn sẽ rất khó. Thế nên, chúng tôi chỉ xin được mua nhà giá rẻ.

Khi làm đơn đề nghị, sau khi các sở ngành Hà Nội xem xét hồ sơ, thì Thân chỉ có hộ khẩu KT3, lại đang đi học, nên không thuộc diện được mua nhà, nhưng thành phố đã đặc cách cho cháu được mua thẳng mà không phải bốc thăm như các đối tượng khác. Thế cũng là phần thưởng lớn cho cháu Thân rồi”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, với số tiền mà các nhà tài trợ cam kết thì vừa đủ mua một căn nhà giá rẻ tại một huyện ngoại thành với mức 570 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ấy Thân đã học tập ổn định tại trường Đại Kim, để tạo điều kiện gần hơn, hội lại đề xuất mua một căn nhà tại quận Hà Đông và được chấp nhận.

Theo hợp đồng mua nhà với công ty Vinaconex Xuân Mai, căn hộ 70m2 tại tầng 18 khu Kiến Hưng (Hà Đông) mà Thân được mua có giá gần 800 triệu đồng. Hợp đồng mua nhà quy định, lần đóng tiền đợt một vào tháng 6-2011 với mức 240 triệu đồng.

“Dồn tất cả tiền thưởng của cháu được 140 triệu đồng, cộng tiền tôi có nữa cũng gom góp đủ. Tuy nhiên, thời hạn đóng tiền lần hai là tháng 1-2012 với mức 160 triệu đồng đã hết hơn một tháng mà mới xoay xở được 100 triệu đồng, song gia đình đã gần như… hết cách. Cũng tại khi được mua nhà, tôi cứ nghĩ phải đóng đâu trong vòng 3 – 5 năm, ai ngờ dồn dập quá”, ông Hoá tâm sự.

Ông Hùng cũng nhớ lại: giá nhà lúc đó là 570 triệu đồng, tôi và ông Hoá đã ngồi tính toán, không biết lấy đâu ra. Lâu nay, người ta cho đã được 140 triệu đồng đang gửi ngân hàng, thiếu chừng 450 triệu đồng nữa.

Khoản tiền này hội Khuyến học có làm công văn gửi đi mười nơi đề nghị giúp đỡ cho cháu, các nơi đó đều hứa nhận giúp đỡ cả nhưng chỉ ngân hàng Liên Việt chuyển tiền 20 triệu đồng, còn các tổ chức khác chắc vì khó khăn gì đấy nên giờ vẫn chưa thấy đâu.

“Nếu lời hứa của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm là thật thì không có khó khăn gì, bởi có đơn vị đã hứa giúp đỡ cho cháu 200 triệu đồng cơ mà, rồi UBND tỉnh Thái Nguyên hứa giải quyết được để có tiền cấp nhà cho cháu. Bao nhiêu lời hứa có thể giúp đỡ cho cháu về tiền để mua nhà, chúng tôi căn cứ vào đó và nghĩ rằng khả năng là có”, ông Hùng khẳng định.

Trở lại với khó khăn lần đóng tiền trước mắt, ông Hoá cho hay đã viết đơn đề nghị hội Khuyến học giúp đỡ. Song ông Hùng lại cho biết, khoản này hội chỉ có thể cho vay bởi kinh phí của quỹ Khuyến học đều được dành cho học bổng chứ không được tiêu dùng.

Vì thế, theo ông Hùng và ông Hoá, cách cuối cùng để Hoàng Thân có tiền trả nợ hội (nếu được vay) và chuẩn bị cho hai lần đóng tiền sau cùng thì tới đây, Trung ương hội Khuyến học dự định sẽ làm hội thảo, hoặc triển lãm tại TP.HCM.

“Trong triển lãm này, một trong những tài sản vô cùng quý giá của Hoàng Thân là bức ảnh chụp riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bức ảnh được chụp bảy năm trước, trong lần Hoàng Thân được đến thăm nhà Đại tướng ngay sau khi Thân đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên – PV) sẽ được đưa ra bán đấu giá để kêu gọi hảo tâm của các đơn vị, cá nhân”, ông Hùng nói.

Thành tích của thần đồng Hoàng Thân

Giải đặc biệt cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất 2005 với sản phẩm Học toán thông minh.

Giải ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ hai với mô hình Rừng vàng; giải thưởng Vừ A Dính (2006).

Giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ ba với mô hình học môn lịch sử trận đánh Điện Biên Phủ và trận đánh quân Nguyên Mông;

Giải thưởng Vừ A Dính; Học bổng Vinamilk (2007); Học bổng Bay cao những ước mơ (2008); giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ năm với mô hình Đồ dùng học tập bằng hình ảnh động (2009);

Giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ sáu với mô hình Hệ mặt trời và các hành tinh, Hiện tượng nhật thực và nguyệt thực; giải thưởng Vừ A Dính; học bổng của 1.000 doanh nhân Thăng Long – Hà Nội (2010).

Theo Chí Hiếu – Chí Thông
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG