Tham nhũng & tâm thần

Tham nhũng & tâm thần
TP - Ngày 15/9, thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đặt vấn đề: “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo có trường hợp được giám định là tâm thần nhưng khi đối tượng giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường.

Dân rất quan tâm vấn đề này. Ngành y tế nghĩ gì về công tác giám định?”. Ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ văn Đương cũng chung nhận định: Nhiều vụ tham nhũng xảy ra xong, bị phát hiện thì bị cáo bị tâm thần. Vấn đề này có phải thế không? Tham nhũng tinh vi vậy mà bảo tâm thần? Qua đây cần phải kiến nghị tội phạm tham nhũng sẽ không giám định tâm thần nữa.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đều nhận định tham nhũng vẫn chưa hề được đẩy lùi, vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí vẫn còn rất nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Như vậy, tính từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời vào năm 2005 đến nay đã ngót 10 năm, thấy rằng cuộc chiến với “căn bệnh của quyền lực” không hề đơn giản, không dễ gì trừng trị được quan tham, bởi họ vừa có quyền lại vừa có tiền.

“Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhận định.

“Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?” – Câu hỏi nhức nhối vang lên giữa nghị trường một lần nữa cho thấy mức độ lũng đoạn ghê gớm của loại tội phạm tham nhũng.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát của nhà nước qua các vụ tham nhũng chỉ khoảng 10%, như thế 90% vẫn còn nằm đâu đó trong tay những kẻ tham nhũng và gia đình họ.

Nay không may bị phát giác lại có trong tay “bảo bối” tâm thần thì còn gì bằng? Rõ ràng đây là một kẽ hở mà Luật Phòng, chống tham nhũng cần bịt ngay lập tức, như ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị, tội phạm tham nhũng sẽ không giám định tâm thần nữa!

Nếu đúng như vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, tức hễ tham nhũng bại lộ là chuyển sang thể tâm thần, thì quả là đáng báo động. Thuộc tính của quan tham là thường “chạy chức”, “chạy quyền” để dễ bề tham nhũng, nay đến khi bại lộ thì lại “chạy tâm thần” để “chạy án”.

Vậy nên hai khái niệm tham nhũng và tâm thần tưởng như không liên quan gì đến nhau về mặt ngôn ngữ học, nay lại thấy chúng có gắn bó mật thiết, thậm chí là hệ quả của vấn nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy án” mà dư luận từng lên án bây lâu nay.

Công cuộc Phòng, chống tham nhũng chỉ thực sự hiệu quả khi nghiêm trị được những kẻ tham nhũng, không cho chúng chạy tội.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.