Một đội xe tăng của Ukraine tham gia đợt tập trận ở Kharkiv ngày 31/1/2022. (Ảnh: Reuters) |
Chuyến đi diễn ra khi Mỹ nói rằng Washington đang chủ động bàn với các đồng minh về khả năng Mỹ đưa quân đến phần phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không tính khoảng 8.500 binh lính đã được đặt trong tình trạng cảnh báo từ tuần trước.
Nga yêu cầu phương Tây bảo đảm an ninh, bao gồm lời hứa NATO sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine. Mỹ nói rằng ít khả năng Ukraine sẽ sớm tham gia NATO, nhưng cho rằng nước này phải tự quyết định tương lai của mình.
Mâu thuẫn giữa hai bên vừa thể hiện trong phiên họp của Hội đồng Bảo an ngày 31/1, khi cả Mỹ và Nga đều dùng diễn đàn quốc tế này để dán nhãn “gây hấn” cho bên kia.
Đang đối mặt với nhiều áp lực từ chức sau vụ bê bối tiệc tùng trong thời gian phong toả, Thủ tướng Anh thực hiện chuyến đi đến thủ đô của Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, nhằm thúc đẩy vai trò của Anh trên thế giới trong giai đoạn hậu Brexit.
“Chúng tôi thúc giục Nga lùi bước và tham gia đối thoại để tìm giải pháp ngoại giao và tránh đổ máu thêm”, ông Johnson nói trong phát biểu được gửi đi trước khi máy bay hạ cánh.
“Là một người bạn và một đối tác dân chủ, Anh sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền của Ukraine trước những người tìm cách phá huỷ nó”, Thủ tướng Anh tuyên bố.
Ông Johnson dự kiến sẽ thảo luận với ông Zelenskiy về những hỗ trợ chiến lược mà Anh có thể cung cấp cho Ukraine.
London đã cung cấp các loại vũ khí phòng thủ và huấn luyện lực lượng cho Ukraine, nhưng các bộ trưởng Anh nói rằng triển khai lực lượng chiến đấu là việc khó có khả năng xảy ra.
Ngày 31/1, Mỹ và Anh nói rằng họ đã chuẩn bị trừng phạt những người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách đóng băng tài sản và cấm đi lại nếu Nga tiến vào Ukraine.
Ba Lan cho biết đã đề xuất cung cấp cho Ukraine hàng chục ngàn quả đạn và đang chờ Kiev phản hồi.
Mỹ yêu cầu gia đình các nhân viên chính phủ ở Belarus rời đi và ban hành khuyến cáo đi lại đến quốc gia này khi căng thẳng ở Ukraine gia tăng.