Mỹ - Nga đấu khẩu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Căng thẳng giữa Nga và Mỹ về vấn đề Nga tập hợp lực lượng gần biên giới Ukraine đã lan sang Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) trong cuộc họp ngày 31/1, khi cả hai bên đều cáo buộc nhau “gây hấn”.
Mỹ - Nga đấu khẩu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ảnh 1

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield. (Ảnh: CNN)

Nga không thể ngăn Hội đồng Bảo an tổ chức cuộc họp theo đề xuất của Mỹ, dẫn đến một cuộc đối đầu công khai tại tổ chức quốc tế vì điều mà Mỹ và các đồng minh gọi là mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế.

Hội đồng không thể có hành động nào ngoài việc thảo luận về tình hình, vì Nga là 1 trong 5 quốc gia có quyền phủ quyết, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh.

“Mối đe doạ ở biên giới Ukraine là khiêu khích…Sự khiêu khích là từ phía Nga, không phải chúng tôi hay bất kỳ thành viên nào khác trong Hội đồng này”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói trong cuộc họp.

Bà Thomas-Greenfield cáo buộc Nga tập hợp hơn 100.000 binh lính gần biên giới với Ukraine, và Nga cùng Belarus đang chuẩn bị “thực hiện hành động tấn công vào Ukraine”. Bà nói rằng Washington đã thấy bằng chứng khẳng định Mátxcơva sẽ đưa 30.000 binh lính vào Belarus trong đầu tháng 2.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng “không có bằng chứng” khẳng định Mátxcơva sắp có hành động quân sự với Ukraine và rằng Nga nhất quán bác bỏ những cáo buộc như vậy.

“Các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đang nói về sự cần thiết phải xuống thang. Tuy nhiên, điều trước hết là bản thân họ đang thổi phồng căng thẳng và hùng biện, trong khi khiêu khích leo thang”, Đại sứ Nebenzia nói.

Mỹ cần ít nhất 9 phiếu để tiến hành cuộc họp trong Hội đồng Bảo an, nhưng kết quả đã có 10 phiếu thuận. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, trong khi Ấn Độ, Gabon và Kenya bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Nebenzia nói rằng Nga “không sợ” thảo luận về Ukraine, nhưng không hiểu lý do để cuộc họp này diễn ra. Đại sứ khẳng định Mátxcơva chưa bao giờ xác nhận số binh lính mà họ đã đưa đến biên giới.

Cuộc thảo luận tập trung vào câu hỏi liệu việc Nga tập hợp lực lượng gần biên giới Ukraine có phải một mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế hay không – một lĩnh vực mà Hội đồng Bảo an phụ trách.

“Điều cấp bách hiện nay là ngoại giao lặng lẽ, không phải ngoại giao loa phóng thanh”, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân nói.

Hội đồng Bảo an đã họp hàng chục lần về cuộc khủng hoảng ở Ukraine từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Đại sứ Nebenzia gọi đây là vấn đề “nội bộ” và cho rằng tình hình chỉ có thể được cải thiện bằng cách triển khai các thoả thuận Minsk. Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định họ không phải một bên thực hiện những thoả thuận này.

Đại sứ Keny tại LHQ Martin Kimani thúc giục Nga, Mỹ và NATO giải quyết khác biệt, nhắc lại rằng châu Phi đã chịu nhiều tổn thất như thế nào trong Chiến tranh Lạnh.

“Tính mong manh và sự chia rẽ nội bộ bị vũ khí hoá trong sự cạnh tranh địa - chính trị. Nó xác nhận một sự thật mà người châu Phi nói đến, rằng khi voi đánh nhau, cỏ dưới chân sẽ nát hết”, Đại sứ Kimani nói.

Mỹ cho rằng cuộc họp của Hội đồng lần này là cơ hội cho Nga tự giải thích hành động của mình.

“Chúng tôi không nghe thấy nhiều điều. Chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục con đường ngoại giao”, bà Thomas-Greenfield nói với báo chí sau cuộc họp.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.