Bần thần trong rừng lim cổ thụ
Xưa nay, nhắc đến lim cổ thụ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cánh rừng bạt ngàn ở miền núi cao, mấy ai nghĩ ở vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn lại có một rừng lim cổ thụ nghìn năm tuổi. Từ sự độc đáo đó, chúng tôi tìm đến đền Và, thuộc phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để mục sở thị rừng lim đặc biệt này.
“Để góp phần giữ gìn cây di sản, chúng tôi có dự định in cuốn cẩm nang chăm sóc cây di sản để cung cấp cho các nơi, nhưng hiện chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Tuy vậy, gần đây VACNE đã xuất bản cuốn “Bảo tồn cây di sản Việt Nam” để làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhằm kéo dài tuổi thọ cho loại cây này”.
Ông Phùng Quang Chính
Đền Và thờ Tản Viên Sơn Thánh - một vị thần Tứ Bất Tử trong truyền thuyết Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Đức Nhân, chủ lễ và chủ tế đền Và cho biết, tại đền có một số cây được vinh danh cây di sản Việt Nam như 2 cây đại hoa trắng, 2 cây ngọc lan, 1 cây nụ, nhưng nổi tiếng nhất là 85 cây lim xanh cổ thụ. Không có tài liệu nào nói về việc rừng lim này có từ bao giờ, nhưng theo các chuyên gia thẩm định, những cây lim cổ thụ tại đền Và có niên đại khoảng một nghìn năm.
Cây lim di sản bị chết tại đền Và. Ảnh: Kiến Nghĩa |
Cánh rừng lim xanh độc đáo này nằm trên quả đồi thấp, rộng chừng 5,7 ha, có 242 cây lim xanh (trong đó có 85 cây di sản) tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cho đền Và. Tại đây, có những cây lim to, đường kính 1,5 mét, phải từ 2 đến 3 người ôm mới hết gốc. Dạo bước nơi đây, chúng tôi thấy rừng lim còn tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, tôn vinh thêm giá trị lịch sử của di tích đền Và. Nhưng cũng tại nơi này, chúng tôi thấy có cây lim bị chết, hiện chỉ còn phần gốc, trên đó vẫn còn gắn biển cây di sản. Một số cây lim khác cành bị gãy, gốc mục rỗng, chỉ còn lớp vỏ ngoài. Nhớ lại trước đó, khi bước vào cổng đền Và, chúng tôi thấy hai cây đại hoa trắng trồng hai bên cổng tình trạng không được khỏe, phải dùng cột để chống đỡ. Người bảo vệ đền Và cho biết, vài năm trước hai cây bị đổ nghiêng, nên phải dùng cột đỡ để bảo đảm sự sống cho cây.
Tình trạng trên khiến chúng tôi bần thần nhớ về tám cây muỗm tại đền Voi Phục-Thụy Khuê cũng vĩnh viễn ra đi sau khi được vinh danh là cây Di sản Việt Nam. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay cần phải có giải pháp chăm sóc nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây di sản.
Nốt trầm
Đem băn khoăn trên trao đổi với ông Phùng Quang Chính, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), chúng tôi được ông chia sẻ đây chính là điều mà VACNE trăn trở trong những năm qua. Ông Chính cho biết, việc cây di sản bị chết hoặc sinh trưởng kém ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu hoặc cây đã đạt tới giới hạn sống của loài, thì nguyên nhân cơ bản vẫn do con người tác động. “Có những di tích được tôn tạo, tu sửa đã bê tông hóa các địa điểm công cộng gây bất lợi cho cây di sản. Điều này chưa thể nhận biết ngay sau khi tu sửa, tôn tạo di tích, mà vài năm sau mới có thể thấy được. Chuyện này diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước”- ông Chính cho biết.
Để tường tận hơn việc này, VACNE cung cấp cho chúng tôi một số tư liệu cần thiết. Theo tài liệu của VACNE, việc tôn tạo di tích miếu Thiên Cổ ở thôn Hương Lan (xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) đã làm bê tông đè nặng một nửa vùng đất trồng cây táu bạc, khiến cây di sản này bị héo lá, sinh trưởng kém. Hoặc trường hợp hai cây muỗm hơn 300 tuổi tại chùa Phổ Minh (Nam Định), sau khi được vinh danh, cây được quan tâm quá mức khiến lão mộc “bội thực”. Do xung quanh cây muỗm được quây thành bồn và xây cao khiến vùng cổ rễ của cây bị ngập sâu trong lớp đất dày, gây khó khăn cho sự trao đổi khí của vùng cổ rễ cây. Hệ lụy là một cây muỗm bị thối rỗng thân ở gần gốc cây, còn cây kia bị vàng lá, cằn cỗi thiếu sức sống.
Tại một số nơi, người dân đã lập quầy bán hàng vặt, quán giải khát ngay dưới gốc cây di sản. Có cây bị đóng đinh lớn vào thân để chăng dây điện các loại, treo loa phát thanh, buộc dây căng bạt làm quán bán hàng. Một số người thiếu ý thức còn dùng các vật rắn để khắc chữ, vẽ hình nhăng nhít lên thân cây di sản. Điển hình là cây đa di sản 800 năm tuổi tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) hằn chi chít nhiều vết khắc trên thân cây. Những chỗ đóng đinh, nét khắc trên thân cây di sản là những vết thương cơ giới tạo điều kiện cho một số vi sinh vật xâm nhập, gây bệnh cho cây.
Không biết câu chuyện về tám cây muỗm di sản ở đền Voi Phục-Thụy Khuê bị chết có được báo kịp thời hay không, nhưng theo VACNE, tại một số nơi khi cây bị bệnh, cơ quan này được báo quá muộn. Đơn cử vào tháng 7/2017, VACNE nhận được tin báo về tình trạng khó sống của cây muỗm gần nghìn năm tuổi ở xã Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) nên cử ngay người đến để xem xét, tư vấn. Tuy nhiên, khi đến hiện trường, cây muỗm đã ở tình trạng lá khô và rụng hoàn toàn. Kiểm tra kỹ cho thấy, thân bị rất nhiều các lỗ đục do côn trùng có hại gây ra. Các lỗ đục này phân bố dày chi chít trên thân và cành của cây muỗm. Điều này chứng tỏ, ở đâu đó việc chăm sóc cây di sản chưa thực sự được quan tâm.
Ông Phùng Quang Chính cho biết, trong cộng đồng hiện còn có một số người có những hành vi không đúng đối với cây di sản. Vì vậy, rất cần thiết phải tuyên truyền giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường cây di sản nhằm nâng cao ý thức bảo vệ cây cho người dân trong cộng đồng. Đặc biệt, khi cây di sản nằm trong điểm du lịch cần nhắc nhở, cảnh báo cho khách du lịch ý thức bảo vệ cây.