Theo một số người cao tuổi ở đây, cây gạo này có tuổi đời khoảng trăm năm gắn liền với sự tích miếu Cô. Theo đó, bà Cô là một vị tướng lĩnh của ông Đề Thám đã đưa quân bảo vệ phủ Lạng Thương. Trận đánh đó bị thất bại, bà bị giặc bao vây truy đuổi nên chạy đến cầu Bắc Giang. Quyết không để địch bắt sống, bà trẫm mình xuống sông Thương. Xác bà trôi dạt vào khu vực thôn Tân Mỹ bây giờ và được nhân dân chôn cất, đặt tên là miếu bà Cô.
Đầu những năm1920, cạnh miếu Cô mọc thêm cây gạo. Từ đó, cậy gạo tồn tại đến bây giờ. Ba năm trở lại đây, mỗi độ tháng ba về, cây gạo Lãng Sơn bung nở hoa thu hút đông đảo người trong và ngoài tỉnh tìm đến.
Thời gian tới, chính quyền xã Lãng Sơn dự định đầu tư xây dựng, tôn tạo và phát triển khu cây gạo miếu Cô trở thành một điểm du lịch cộng đồng gắn với di tích tâm linh. Từ điểm cây gạo có thể kết nối các tuyến du lịch đến chùa Vĩnh Nghiêm (cách khoảng 4 km), Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng và nhiều địa điểm du lịch tâm linh khác trên dãy Nham Biền, núi Non Vua huyền thoại của huyện Yên Dũng.
Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vừa có quyết định công nhận cây gạo cạnh miếu Bà Cô (thường gọi là cây gạo Lãng Sơn) là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử-văn hóa”. Theo Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang, cây gạo này cao hơn 27m, diện tích phủ tán 120m2, đường kính thân cây 2,4m.