Tết không của mọi nhà
Sáu giờ tối, một góc khuất sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Một đám lửa đốt bằng củi bập bùng cháy dưới tấm bạt chăng giữa ngõ. Vùi trong lớp tro là mấy củ khoai tây đang nướng dở. Bên cạnh có một ấm nước chè nóng. Hai cái chén, rót nước chuyền tay nhau uống. “Tết gì? Tết như thế này này” - một người đàn ông cười. “Có thêm cái bánh chưng với đĩa thịt mỡ nữa thì thành Tết thôi” - một người khác cười đế vào.
Phía ngoài tấm bạt che, mưa rơi dầy hạt. Trời lạnh cắt da. Mùa Đông năm nay lạnh kỷ lục. Đống lửa đốt bằng củi đi xin này sẽ là cái Tết của những người này - các thành viên xóm chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai. Phần lớn trong số họ sẽ “đón Tết” ở xóm. Lịch chạy thận không được gián đoạn, cứ 2 ngày một lần phải vào viện.
Người nào chậm nhất cũng phải có mặt ở đây để chạy thận vào ngày mùng 2 âm lịch. Như Oanh, cô gái bán nước chè trong bệnh viện, đã chạy thận ở đây 10 năm - thì năm nay sẽ không về quê đón giao thừa được. Bốn giờ sáng ngày mùng 1 ca chạy thận đã bắt đầu. Chính xác nhất, là những người này không có Tết.
Có nhiều lý do để một con người phải đón Tết xa quê. Bệnh tật như Oanh và các thành viên xóm chạy thận là một nhẽ. Có bao nhiêu người dù khỏe mạnh, cũng chẳng đủ tiền mua cái vé xe đò về quê.
Ví như nhà anh Tí-chị Hữu ở quận 2. Nhà 6 người sống trong một túp lều bằng tôn và mái lá giữa đám sình lầy. Nhìn từ ngoài đường Mai Chí Thọ vào, cái xóm của những thợ hồ tàng hình đằng sau bụi lau lách.
Phải đi vào một lối nhỏ giữa bụi lau, đi xuyên qua những bãi đất nhấp nhô, rồi qua một cây cầu gỗ bắc qua vũng nước đen, mới đến được cái xóm này. Mấy chục nóc nhà trọ được cất sơ sài bằng tấm tôn, tấm ván, thành nơi cư trú của những gia đình thợ hồ. Nước bẩn ở khắp nơi. Trên thân mình những đứa trẻ, chi chít vết muỗi đốt không sót chỗ hở nào.
Gia đình anh Tí chị Hữu và đứa con bị bại não.
Anh Tí nuôi cua ở Cà Mau, quanh quẩn với mảnh đất các cụ để lại, cũng đủ sống và nuôi con. Nhưng đến khi mở rộng làm ăn, thất bại, nhà cửa và đất ruộng cầm cố hết. Gia đình chẳng còn đường sống nào, dắt nhau lên Sài Gòn, hai vợ chồng đi làm thợ hồ đã 3 năm nay, cũng từ đấy sống ở cái xóm nhà lá giữa đám sình lầy này. Họ chưa một lần về quê từ ngày ấy. Ông bà anh em vẫn còn, nhưng không năm nào xoay tiền đủ để mua vé xe đò cho 6 con người về Cà Mau.
Đặc trưng của những cư dân xóm này là họ phải di cư cả gia đình. Lóc nhóc những đầu trẻ con. Cả gia đình, sống trong phòng trọ nhỏ như công nhân thì không đủ không gian, mà tiền chỉ có vậy, nên họ phải thuê ở chỗ này. Khắp nơi trong xóm là những vũng nước đen, bốc mùi hôi thối. Lũ trẻ ốm quặt quẹo.
Đứa con thứ tư nhà anh Tí, thằng Nhân, đã 5 tuổi nhưng chưa biết đi. Đứa trẻ bị bại não. Nó vẫn ú ớ được mấy câu, biết hát bài con cò bé bé bằng cái giọng bị chặn lại ở cổ họng, biết nói tên mình, biết mình bao nhiêu tuổi. Nhưng nó cứ nằm lê trên tấm phản giữa túp lều của cha mẹ, điều trị nhát gừng, khi nào có tiền, hoặc có nhà hảo tâm tới cho gì, mới đưa đi thăm khám. Hai vợ chồng anh đi làm mỗi tháng được chừng 4-5 triệu đồng, vì không phải lúc nào công việc cũng đều, có tháng chỉ được 10 ngày công.
Đứa con gái lớn, cái Trinh, năm nay đã 17. Cô bé xinh xắn nhưng cũng thấp còi. Nó đã đến tuổi nối nghiệp cha mẹ: đi làm thợ hồ. Bây giờ, Trinh chỉ cần một cái chứng minh thư để nối gót cha vào những công trường. Nhưng ngay cả thứ ấy bây giờ cũng là một điều xa xỉ. Trinh phải chờ khi nào nhà có tiền, mua vé về quê, mới làm được chứng minh thư. Nó vẫn đang quanh quẩn ở nhà trông em.
Cuối năm, những cư dân xóm thợ hồ này chắc cũng sẽ có bữa liên hoan. Những cái bếp gas du lịch mà mỗi nhà dùng để đun nấu, tiện để làm những nồi lẩu. Nhưng xa quê mà chẳng có tiền về, thì những con người này, cũng chẳng có Tết.
Họ đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn là một cái Tết có vui không, có no không. Cách nhà anh Tí không xa, có nhà anh San. Hai vợ chồng cũng đi làm phụ hồ trong Sài Gòn. Vợ anh đang mang bầu đứa thứ 2, dự định mấy tháng nữa sẽ phải về quê nghỉ. Đứa đầu, được 20 tháng, hỏi đến cũng chưa biết một mũi vắc-xin là cái gì.
Những đứa trẻ ở xóm này, khi nào cũng chân đất, chạy trên những bãi sình lót sơ bằng vài tấm lá dừa nước. Đứa lớn bế đứa bé. Có thằng cu Thành, 10 tháng tuổi, mồ côi cha, mẹ bỏ đi, bà nội đi làm mướn nuôi nó, nên mỗi ngày phải gửi cho một người. Bữa thì người lớn, bữa thì vứt cho mấy thằng cu 9-10 tuổi trong xóm bế, trả nó mấy chục ngàn. Người thằng cu vằn lên những nốt muỗi đốt chi chít.
Những cái Tết tương lai
Mấy năm này, những đoàn từ thiện xuất hiện nhiều hơn. Cũng nhiều dân trung lưu thành phố nghĩ ngợi, lo cái Tết cho người nghèo. Năm mới, cái Oanh kể, cũng có mấy chị mấy cô ở đâu đến mừng tuổi cho người trong xóm chạy thận. Cả ở xóm nhà lá của thợ hồ quận 2, cũng thỉnh thoảng có người tới thăm hỏi rồi cho thằng Nhân con anh Tí vài đồng khám bệnh. Nhưng những điều ấy không giải quyết được gốc rễ vấn đề của những con người này.
Mới đây, trên The Guardian, một trong những nhật báo uy tín nhất nước Anh, có một phóng sự dài về cuộc sống của giới siêu giàu tại Việt Nam - cuộc sống đằng sau những bức tường rào của những khu đô thị sang trọng như Ciputra hay Ecopark. Phía bên trong bức tường ấy, là những triệu phú đô-la mới, với cuộc sống tiện nghi tối đa.
Phía bên ngoài bức tường, là những nông dân từng có đất, nhưng giờ loay hoay với quán hàng nhỏ, mấy chén nước chè và bao thuốc. Bài báo viết về một thực tế không xa lạ với người Việt: Kinh tế bùng nổ, tầng lớp giàu có xuất hiện ngày càng đông, thì khoảng cách giàu nghèo càng lớn.
Hà Nội là một trong những thủ đô hiếm hoi trên thế giới có một khu ổ chuột cách tòa thị chính thành phố chưa đầy 2 km. Ở quanh khu vực Phúc Xá và bãi giữa sông Hồng, đi bộ từ bờ hồ Hoàn Kiếm ra chỉ khoảng 10 phút, ngay bên cạnh những “đất vàng”, “đất kim cương” trị giá mấy tỷ đồng một mét vuông, vẫn đầy những mái lều được lợp sơ sài bằng bạt nylon.
Đi từ Bờ Hồ, ngược theo đôi ba con phố cổ sung túc, là đến chân cầu. Lên cầu, đi bộ một cây số, là xuống bãi, đi qua lối mòn trong lau sậy, lội bùn, lội rác một quãng ngắn nữa, là thấy những nóc nhà.
Lực lượng lao động này, vẫn đang tồn tại hiển nhiên bên cạnh những tòa nhà lớn, những cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm liên tục mọc lên như minh chứng cho sự phát triển kinh tế. Nhưng động đến họ, thì thấy rằng ở đó là một “rổ” những thiếu hụt về chính sách: Việc làm, y tế, bảo hiểm, giáo dục, nhà ở... Cái nghèo với những con người này mang tính thừa kế.
Thời gian không chờ đợi lâu: Những thống kê cho thấy độ tuổi dân số Vàng của Việt Nam sẽ kết thúc vào 2025. Tức là đến năm này, thì dân số chúng ta sẽ bắt đầu già đi, lợi thế lớn nhất về lực lượng lao động sẽ giảm sút. Nếu không hoàn thiện các thiết chế để tăng năng suất lao động, nếu hàng triệu lao động vẫn vất vưởng trong những khu ổ chuột đầy muỗi vắt, thu nhập vài ba triệu đồng một tháng từ những công việc lao động phổ thông, con cái họ, mình đầy muỗi vắt, trông vào những lớp học tình thương và bảo hiểm y tế là điều gì đó xa xỉ, thì chỉ một thời gian ngắn nữa, nước ta sẽ rơi vào một viễn cảnh: già mà vẫn chưa giàu. Tức là dân số đã già, mà vẫn chưa thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp.
Một cái Tết trước mắt của những lao động này, vui buồn gì, giàu nghèo ra sao, có về được quê hay không, chỉ là những câu chuyện của cá nhân. Họ sẽ tìm được cách vượt qua. Nhưng nhìn vào những cái Tết ấy, nhìn ra thật xa về những cái Tết tương lai của cả đất nước, thấy những điều không lành.