Tết đã về bên xóm ngụ cư

Tết đã về bên xóm ngụ cư!
Tết đã về bên xóm ngụ cư!
TPO - Tối 19/1 (25 tháng Chạp), một chương trình Tất niên mang đậm hương vị ngày Tết đã được tổ chức tại xóm ngụ cư, dưới chân cầu Long Biên. Tại chương trình, 64 suất quà được trao tặng cho 64 người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, bức tranh hoa đào do bàn tay những người dân trong xóm vẽ sẽ đem bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được dùng để ủng hộ người dân nghèo tại đây đón Tết Nguyên Đán 2020.

Mơ ước được đoàn tụ

Rời quê từ năm 1995, bà Trần Thị Ba, 74 tuổi (quê Hải Hậu Nam Định) cùng người con trai “lúc hâm, lúc tỉnh” lên Hà Nội với mong muốn có bát cơm, bát cháo qua ngày. Hình ảnh người bà gầy gò, lưng còng, chân đi không vững một tay cắp bó bìa cát tông, thay còn lại dắt theo người con trai 35 tuổi nhưng “không lớn” khiến ai nhìn thấy cũng chua xót.

Khi được hỏi về cuộc đời mình, bà lặng lẽ kể: “Năm đó, ở quê còn nghèo lắm, làm lụng quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Tôi có hai người con, người con cả thì bị tâm thần, khi tỉnh thì ít, hâm hâm dại dại thì nhiều. Đứa thứ hai là con gái, sinh con ra nhưng vì đói khát không thể nuôi con, phải gửi vào Trung tâm Bảo trợ. Hồi năm 1995, tôi buộc chấp nhận để đứa con gái đi làm con nuôi cho một gia đình bên Mỹ, cũng từ đó tôi chẳng còn liên lạc được với nó. Đắng cay, ngày con ra sân bay tôi cũng chẳng được tiễn”.

Tết đã về bên xóm ngụ cư ảnh 1 Bà Trần Thị Ba, 74 tuổi cùng người con trai cả mắc bệnh thần kinh.

Chia sẻ về cuộc đời mình mà đôi mắt bà đỏ hoe, đã hơn 20 năm qua bà khóc hết nước mắt vì nhớ con, khóc vì ân hận “sinh con ra mà chẳng thể nuôi con”. Kỷ vật duy nhất với người con gái là tấm giấy biên nhận có dòng chữ ký nguệch ngoạc, hiện rõ nỗi đau của người mẹ.

Chia xa người con gái, bà cùng người con trai lên Hà Nội. Không kể mưa hay nắng cứ từ sáng sớm bà rời khỏi xóm “ngụ cư”, ra chợ Long Biên nhặt lượm từng túi ni long, bìa cát tông, thùng xốp, lon bia… Khi đã nhặt hết rác trong chợ, bà trở về cái hẻm dẫn vào xóm “ngụ cư” để giặt túi nilong, phơi khô chúng rồi gom lại bán. Thu nhập mỗi ngày của bà không nhiều, thường thường là 30.000 đồng/ngày, ngày nào cao nhất cũng chỉ 50.000 đồng, những ngày mưa gió thì trắng tay.

“Hôm nào có tiền thì thì bữa cơm có thêm vài con cá nhỏ. Hôm nào trời mưa to, không thể đi làm thì bát cơm trắng chấm muối cũng là hạnh phúc lắm rồi”, bà Ba chia sẻ.

Cùng sống với bà Ba ở xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên còn hàng trăm mảnh đời, hàng trăm câu chuyện bất hạnh khác. Có người vì nghèo mà lên Hà Nội mưu sinh, có người vì hoàn cảnh gia đình mà đến đến tìm chỗ trú,... nhưng họ có chung một mơ ước lớn nhất là ngày Tết được đoàn tụ với gia đình.

Tết về bên xóm ngụ cư

Hôm nay (25 tháng Chạp), không khí tại xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên như khác hẳn. Giọng loa của ông Tổ trưởng tổ dân phố đang phổ biến chương trình Tất niên, xen lẫn là tiếng lũ trẻ nô đùa í ới, thi nhau thổi những chùm bóng bay rực rỡ sắc màu. Không thể thiếu là những cành hoa đào, cành quất mang đậm hương vị của ngày Tết. Tết đã về với xóm ngụ cư!

Tết đã về bên xóm ngụ cư ảnh 2 Một em nhỏ trong xóm ngụ cư cùng vẽ tranh hoa đào.

Ngay từ rất sớm, những bạn trẻ đã tập trung về khoảng sân rộng nhất, cùng với những người dân trong xóm tổ chức gói bánh chưng đón Tết. Chị Trần Thị Ngọc Bích đại diện công ty Smilekids Việt Nam và Bigsealand, đơn vị tổ chức chương trình chia sẻ: “Thông qua truyền thông tôi biết đến những người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở dây. Chúng tôi quyết định phải hành động, phải làm một việc gì đó để sẻ chia, để đem Tết đến gần hơn với bà con xóm ngụ cư. Và với chúng tôi đây cũng là một buổi Tất niên hết sức ý nghĩa, được chứng kiến những phút giây hạnh phúc của người dân khi Tết Nguyên Đán đang đến gần.

Tết đã về bên xóm ngụ cư ảnh 3 Chị Trần Thị Ngọc Bích cùng người dân hoàn thiện bức tranh.

Một sân khấu được dựng lên, những món ăn truyền thống chứa đựng hương vị ngày tết được chính tay các bạn trẻ cùng người dân trong xóm chuẩn bị đã sẵn sàng. Không khí vui tươi, hạnh phúc đang tràn ngập từng con hẻm, túp lều báo hiệu một năm mới đã đến.

Bà Phạm Thị Lĩnh (56 tuổi quê Việt Yên, Bắc Giang) khấn khởi nói: “Đến ở đây đã mấy chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy được không khí tết về sớm đến vậy. Rất hiếm khi chúng tôi có được một cái tết no đủ, hôm nay lại được ăn cùng, nghe các cô, các chú hát rồi chúc tết. Ai ai cũng vui cả”.

Tết đã về bên xóm ngụ cư ảnh 4 Bức tranh sẽ được bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được sẽ trao tặng lại 64 người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Không chỉ tổ chức Tất niên, chung vui đóng tết cùng với người dân. Những bạn trẻ đã cùng người dân vẽ lên bức tranh hoa đào ngày Tết. Bức tranh sẽ được bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được sẽ trao tặng lại 64 người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trong xóm.

MỚI - NÓNG